Hàng năm, từ tháng 6 đến tháng 9, ngư dân nghèo ở các vùng ven biển Quảng Ngãi vào mùa "vây cá" mưu sinh mang đậm nét văn hóa biển độc đáo ở những làng chài. - VnExpress
|
9h, ngư dân hợp sức đẩy thúng chở đầy lưới (ngư dân địa phương gọi là lưới mùng), dây thừng ra cách bờ khoảng 1km bắt đầu ngày lao động vây cá. Lưới được rải theo bán kính hình vòng cung nối với nhiều sợi dây thừng (hoặc dây dừa) dài hàng nghìn mét từ ngoài biển vào trên bãi cát. |
|
Sau khi thả xong mẻ lưới ngoài biển, để vây bắt cá, khoảng 30 ngư dân chia làm hai tốp xếp thành hai hàng cách nhau khoảng 500 m trên bãi cát bắt đầu hợp sức kéo lưới. |
|
Hầu hết những người gắn bó với nghề lưới vây đánh bắt cá vùng gần bờ này là ngư dân nghèo (chủ yếu là phụ nữ), hoàn cảnh kinh tế khó khăn không có vốn đóng tàu lớn vươn ra khơi xa. Do thường xuyên kéo dây thừng, dây dừa, nên bàn tay của các ngư dân chai sần theo năm tháng. |
|
Hai tốp ngư dân nhập lại thoăn thoắt kéo mẻ lưới nặng trĩu cá lên bờ. Mỗi ngày, các ngư dân kéo khoảng 3 đợt suốt từ 9h đến hơn 17h. |
|
Mẻ lưới được quây tròn, tóm gọn ngay sát mép biển. |
|
Những chú cá quẫy đạp tung tóe nước trong mẻ lưới. |
|
Một ngư dân tóm được chú cá cánh tiên đẹp mắt sau khi lưới được kéo lên bờ. |
|
Hai con cá kiếm mắc lưới của các ngư dân thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn. Trung bình mỗi ngày các ngư dân kéo 3 đợt lưới vây thu về khoảng 3 đến 4 tạ cá, trừ chi phí mỗi ngư dân thu nhập khoảng 100.000 đến 150.000 đồng. |
|
Mẻ cá được trút bán ngay trên bãi biển cho các thương lái. Tùy theo con nước, luồng cá về bờ kiếm ăn, mỗi mẻ lưới có nhiều loại cá khác nhau. Khi thì cá liệt, cá kiếm, lúc thì cá tửu, cá cánh tiên, cá bàu nú... "Tuy công việc kéo lưới vây phải đứng trên bãi cát dưới trời nắng nóng, tốn nhiều công sức nhưng đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho những ngư dân nghèo như chúng tôi", chị Trần Thị Nga ở xã Bình Châu nói. |
Trí Tín
Nguồn: VnExpress