TP HCM thông xe đường vành đai đông sau nhiều lần ‘lỗi hẹn’

Sáng 30/8, đường vành đai phía đông (từ đường Đồng Văn Cống đến cầu Rạch Chiếc mới) đã được thông xe sau 7 năm dự án được phê duyệt. - VnExpress

Đường vành đai phía đông là một phần của đường vành đai 2 nối từ đường Nguyễn Văn Linh (khu đô thị Phú Mỹ Hưng) đến cầu Phú Mỹ, kết nối ra cầu Rạch Chiếc mới do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Phú Mỹ làm chủ đầu tư với số vốn gần 400 tỷ đồng.

Dự án được phê duyệt từ năm 2006, sau đó rơi vào cảnh dở dang cỏ mọc um tùm và "trễ hẹn" nhiều lần với người dân thành phố vì chủ đầu tư thiếu vốn. Đến tháng 4/2012, dự án mới được thi công trở lại và đã hoàn thành với chiều dài 5,5 km.

vanh-dai-dong-1377853705.jpg
Đường vành đai phía đông được thông xe sáng 30/8. Ảnh: H.C

Công trình sẽ kết nối luồng phương tiện lớn theo hướng xa lộ Hà Nội (đoạn cầu Rạch Chiếc) đến cầu Phú Mỹ, rút ngắn quãng đường vì các xe sẽ không phải đi vòng vào đường Đồng Văn Cống gây ùn tắc như hiện nay. Đặc biệt tuyến đường sẽ tạo thuận lợi trong vận chuyển hàng hoá ra vào cảng Cát Lái (quận 2) và kết nối đồng bộ cầu Phú Mỹ…

Phát biểu tại lễ khánh thành, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBND TP HCM cho biết đây là tuyến đường có vai trò quan trọng, góp phần giải quyết ùn tắc cho khu vực nội đô thành phố.

“Tôi đề nghị Sở Giao thông Vận tải cùng các đơn vị sớm triển khai các đoạn còn lại (từ cầu Rạch Chiếc mới - Bình Thái - Gò Dưa thuộc phía đông và đoạn quốc lộ 1 - Võ Văn kiệt - Nguyễn Văn Linh thuộc phía nam), để hoàn tất khép kín vành đai 2”, Phó chủ tịch nói.

Theo ông Tín, đến năm 2020, TP HCM sẽ hoàn tất các tuyến đường vành đai (2, 3, 4) cùng với một số trục đường hướng tâm, xuyên tâm quan trọng nhằm giải quyết nhu cầu lưu thông của người dân, giải quyết kẹt xe, đồng thời góp phần phát triển kinh tế xã hội của TP HCM. Trước mắt, trong năm tới, sẽ hoàn tất tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây; mở rộng xa lộ Hà Nội; đồng thời triển khai thi công mở rộng quốc lộ 13, quốc lộ 50…

Cũng trong ngày 30/8, hai cầu vượt trên quốc lộ 1 được đưa vào sử dụng (vượt tiến độ 2 tháng so với kế hoạch) nhằm giảm ùn tắc giao thông ngày càng trầm trọng tại 2 điểm giao cắt với tuyến quốc lộ này.

Cầu vượt thứ nhất được xây dựng tại điểm giao cắt giữa quốc lộ 1A với tỉnh lộ 10 thuộc quận Bình Tân, cầu dài 635 m, rộng 24 m với 6 làn xe lưu thông. Còn cầu vượt thứ 2 tại điểm giao cắt giữa quốc lộ 1A với tỉnh lộ 10B, dài 889 mét, rộng 17 mét với 4 làn xe.

Bên cạnh việc xây dựng 2 cầu vượt, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng IDICO còn lắp đặt dải phân cách để tách làn xe 2 bánh với làn ôtô trên quốc lộ 1A đoạn An Sương - An Lạc với tổng chiều dài 20 km. Tổng vốn đầu tư xây dựng của toàn dự án là hơn 700 tỷ đồng.

Hữu Công

Nguồn: VnExpress