Với tổng đầu tư gần 2.000 tỷ đồng, 7 cầu vượt, trong đó 6 cầu được đưa vào sử dụng tại các nút giao trọng điểm của thủ đô đang phát huy tác dụng khi cảnh ùn tắc không còn diễn ra thường xuyên và phương tiện lưu thông được thuận tiện. - VnExpress
|
Cầu vượt nhẹ Láng Hạ - Thái Hà là cầu bằng kết cấu thép được đưa vào hoạt động đầu tiên ở thủ đô. Ảnh: Bá Đô |
*Ảnh: 6 cầu vượt nhẹ ở thủ đô nhìn từ trên cao
Đầu năm 2012, để giải quyết bài toán ùn tắc giao thông tại các nút giao trọng điểm, Hà Nội đã quyết định đầu tư và xây dựng thí điểm hàng loạt cầu vượt nhẹ bằng thép. Hiện 6 cây cầu đã được đưa vào hoạt động và một cầu sắp được khánh thành, dự kiến thông xe vào ngày 10/10 với tổng kinh phí đầu tư cho 7 cây cầu này là gần 2.000 tỷ đồng.
Ngày 26/4/2012, hai cây cầu vượt nhẹ, kết cấu bằng thép đầu tiên được khánh thành là cầu vượt Láng Hạ - Thái Hà với 2 làn ôtô đi 2 chiều, dài 220 mét, mặt cắt ngang 12 mét, tổng kinh phí hơn 222 tỷ đồng. Và cầu vượt Chùa Bộc - Thái Hà dài 227 mét, mặt cắt ngang 7 mét, tổng đầu tư là 179 tỷ đồng.
Hơn 7 tháng sau, ngày 14/11, cầu vượt nhẹ thứ 3 tại nút Lê Văn Lương - Láng Hạ đi vào hoạt động. Cầu vượt này rộng 9 m (gồm 2 làn ôtô, 2 làn xe máy), dài 315 m, kết cấu nhịp dầm thép kết hợp bê tông cốt thép. Tổng trọng lượng dầm thép của công trình lên đến trên 1.000 tấn. Cầu có kết cấu thép nhẹ với hệ thống cột vững chãi, dễ tháo lắp và di chuyển. Thời gian thi công cầu chỉ 5 tháng, tổng vốn đầu tư hơn 200 tỷ đồng.
|
Cầu vượt Lê Văn Lương - Láng Hạ là cây cầu thứ 3 được đưa vào hoạt động nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông. Ảnh: Bá Đô |
Tiếp đó là cây cầu vượt bằng thép thứ tư, lớn nhất thủ đô tại nút giao Trần Duy Hưng - Láng được khánh thành vào ngày 16/12. Cầu này được thi công trong vòng 7 tháng, vượt tiến độ dự kiến hơn 1 tháng. Cầu có chiều dài 315m, dành cho 4 làn xe, với kết cấu trụ bê tông cốt thép, dầm thép hộp có độ bền vĩnh cửu chịu được trọng tải 80 tấn. Tổng đầu mức đầu tư cầu là
348 tỷ đồng.
Cũng trong tháng 12
, Hà Nội tổ chức thông xe cầu vượt cho xe cơ giới tại nút giao Nam Hồng, huyện Đông Anh. Đây là cầu vượt nhẹ bằng kết cầu thép thứ 5 ở thủ đô được hoàn thành.
Cầu vượt dài 200 m, rộng 12 m, kết cấu nhịp dầm hộp thép, mặt cầu bằng bêtông cốt thép, trụ cầu dạng một thân đặc bằng bêtông cốt thép trên móng cọc khoan nhồi. Công trình được khởi công vào ngày 6/4 với tổng đầu tư 305 tỷ đồng.
Ngày 30/8, Hà Nội khánh thành cầu vượt thứ 6 ở nút giao
Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân (giao phố Huế - Bạch Mai) dài hơn 350 m, rộng 11 m, với tổng đầu tư hơn 180 tỷ đồng. Và ngày 10/10 tới đây, dự kiến Hà Nội tiếp tục khánh thành cây cầu thứ 7
tại nút giao Daewoo
.
Cây cầu này dài 276 m, rộng 17 m, có tổng vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng,
được xây vĩnh cửu, sử dụng dầm hộp thép, liên hợp bản bê tông cốt thép, cho phép các loại phương tiện lưu thông, trừ xe siêu cường siêu trọng.
Từ khi những cây cầu vượt nhẹ bằng kết cấu thép đưa vào hoạt động, đã phát huy được hiệu quả, vào những giờ cao điểm tại các nút giao có cầu vượt đi qua, tình trạng ùn tắc không còn thường xuyên diễn ra như trước đây.
Thường xuyên điều tiết giao thông dưới chân cầu vượt Chùa Bộc - Thái Hà, trung tá Nguyễn Khắc Chung, đội CSGT số 3, khẳng định với
VnExpress.net việc đưa cây cầu vào hoạt động là chủ trương đúng đắn của thành phố, các phương tiện không còn cảnh xung đột, hỗn loạn nên cảnh sát giao thông cũng không còn phải vất vả, căng mình ra phân luồng như trước đây.
Tuy nhiên theo trung tá Trung, "cầu vượt xây xong, đường khá thông thoáng, các phương tiện qua lại tăng tốc độ, nên tình trạng vượt đèn đỏ, hay lấn làn vẫn diễn ra".
|
Cây cầu thứ 6 tại nút giao Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân vừa được khánh thành ngày 30/8. Ảnh: Bá Đô |
Còn bác Trần Văn Hòa, một người dân trên phố Láng Hạ cho biết, trước đây khi chưa có cầu vượt Lê Văn Lương - Láng Hạ người dân khốn khổ vì thường xuyên phải sống chung với cảnh ùn tắc, nhưng từ khi cây cầu đưa vào hoạt động, "phố Láng Hạ không còn cảnh ùn tắc triền miên nữa".
Tuy nhiên theo bác Hòa, "chỉ còn duy nhất một điều mong muốn là làm sao ngành giao thông điều chỉnh lại tín hiệu đèn ở phía đường Láng về Cầu Giấy vì tại đây vào giờ cao điểm vẫn thường xuyên xảy ra ùn ứ".
Trong buổi phát biểu tại lễ khánh thành cầu vượt Trần Khát Chân vào sáng 30/8, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, việc đưa vào vận hành những cây cầu vượt nhẹ kết cấu thép đã thể hiện hiệu quả rõ rệt, nó nằm trong một số giải pháp cấp bách của Chính phủ và thành phố nhằm hạn chế ùn tắc và tai nạn giao thông giai đoạn 2012 -2015.
"Từ khi những cây cầu đi vào hoạt động Hà Nội đã giảm được từ 124 điểm có nguy cơ ùn tắc xuống còn 57 điểm (riêng 8 tháng đầu năm 2013 đã xử lý được 10 điểm)", ông Hùng khẳng định.
Theo quy hoạch xây dựng từ nay đến 2015, Hà Nội sẽ xây dựng thêm các cây cầu vượt nhẹ tại các nút: Hoàng Quốc Việt - Phạm Văn Đồng, Nguyễn Sơn - Nguyễn Văn Cừ và cải tạo, mở rộng các nút Kim Mã - Liễu Giai, đường 69 - Phạm Văn Đồng, Cổ Nhuế - Phạm Văn Đồng…
Bá Đô
Nguồn: VnExpress