'Tai nạn giao thông đang ở mức khẩn cấp'
- 8/31/2013 8:30:03 AM
“Tai nạn giao thông mỗi năm khiến hơn 10.000 người chết. Đây là tình trạng khẩn cấp nên giải pháp phải tương ứng chứ không thể bình bình được. Đề nghị có cuộc giám sát tối cao về vấn đề này”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói. - VnExpress
Tại cuộc giám sát của Ủy ban Quốc phòng An ninh sáng 30/8 về chủ đề bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong các hoạt động kinh doanh vận tải bằng ôtô, hàng loạt vấn đề được các đại biểu đặt ra cho Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng và các bộ, ngành liên quan.
Theo đại biểu Ngô Văn Hùng, thời gian qua, một số đơn vị không chấp hành đúng quy định trong vận chuyển hành khách như tuyển dụng lái xe, buông lỏng quản lý dẫn tới lái xe vi phạm luật lệ, gây tai nạn thảm khốc và làm người dân hoang mang. Tình trạng này, theo đại biểu Nguyễn Thanh Hồng, khiến nhiều gia đình không dám đi chung trên một phương tiện. Tuy nhiên, sau các vụ tai nạn, kết luận lại chưa rõ ràng, minh bạch. Các đại biểu yêu cầu Bộ trưởng Thăng nêu giải pháp khắc phục.
Các đại biểu Ngô Văn Hùng và Trần Đình Thu cho biết, một số sở giao thông vận tải thiếu trách nhiệm trong cấp giấy phép kinh doanh, việc quản lý chủ doanh nghiệp hết sức lỏng lẻo, lái xe núp dưới bóng doanh nghiệp hoạt động nên khi vi phạm lái xe chịu trách nhiệm là chính.
“Tại một số cơ sở sát hạch đào tạo lái xe chất lượng đào tạo rất kém. Học viên chỉ cần nạp tiền là qua. Rồi việc khám sức khỏe định kỳ, có lái xe khi tai nạn mới biết nghiện ma túy”, đại biểu Trần Đình Thu nêu thực trạng.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Nhìn ở góc độ người thực thi công vụ, Phó chủ nhiệm ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, tiêu cực, tham nhũng của lực lượng cảnh sát giao thông là một thực trạng. Điều này cũng đã được Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới công bố sau một cuộc điều tra xã hội học. “Tiêu cực trên các trục đường là một trong những nguyên nhân gây tai nạn giao thông. Chúng tôi cho rằng, giải pháp của mọi giải pháp là quy được trách nhiệm đến cùng”, bà Nga nói.
Thừa nhận thực tế này, Bộ trưởng Thăng cho hay, Bộ Giao thông và Bộ Công an đã phối hợp kiểm tra kiểm soát. Để hạn chế, theo ông khi đưa ra văn bản phải khả thi, xử lý vi phạm phải công khai, minh bạch. Khi xây dựng văn bản phải đơn giản, giữa người thực thi và người bị xử lý có cùng cách hiểu chứ không phải để người thực thi công vụ “vận dụng”.
“Người thực thi phải nghiêm minh, không bao che, bảo kê, vi phạm đến đâu xử lý đến đấy thì sẽ tạo ra ý thức của người tham gia giao thông, người lái xe. Tôi tin rằng, cùng với các giải pháp tuyên truyền, giáo dục đạo đức sắp tới kết quả sẽ chuyển biến”, ông Thăng nói.
Chia sẻ với Bộ trưởng Giao thông, Trung tướng Đỗ Đình Nghị (Phó tổng cục trưởng tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội - Bộ Công an) cho hay, tiêu cực của lực lượng thực thi công vụ rõ ràng là một thực trạng. Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang cũng đã trả lời.
“Nhưng khi đánh giá, tôi cho rằng, lực lượng cảnh sát giao thông có vai trò hết sức quan trọng. Năm 2012, hai đồng chí hy sinh khi làm nhiệm vụ, 101 đồng chí bị thương, 5.000 trường hợp không nhận tiền của lái xe. Còn để giải quyết tiêu cực trong ngành thì Bộ Công an xác định đây là nhiệm vụ quan trọng nhưng không thể giải quyết trong ngày một ngày hai”, ông Nghị nói.
Bộ trưởng Đinh La Thăng tại phiên giải trình. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Đại biểu Lê Thị Nga chưa thỏa mãn với các giải pháp. Theo bà, với thực trạng hơn 10.000 người chết mỗi năm vì tai nạn giao thông, đây đang là tình trạng khẩn cấp.
“Tình trạng khẩn cấp thì giải pháp phải tương ứng chứ không thể bình bình được. Tôi đề nghị có cuộc giám sát tối cao về vấn đề này”, bà Nga nói. Cũng theo bà, các cơ quan chức năng cần lưu ý thêm nguyên nhân kinh tế. Bởi chi phí xăng dầu, cầu đường tăng, thêm việc “làm luật” đã trở thành gánh nặng khiến lái xe, chủ xe tiếp tục vi phạm.
Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, thực tế là các văn bản của Chính phủ như nghị định 91, 93 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô chưa cụ thể và chưa chặt chẽ. Quan điểm của Bộ là sửa đổi, bổ sung làm sao để nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, phân cấp rõ và triệt để trách nhiệm quản lý, bộ làm gì, địa phương làm gì. Cụ thể là đưa vào quy định trách nhiệm của chủ phương tiện.
“Lâu nay cứ một vụ tai nạn xảy ra thì chỉ nghĩ đến trách nhiệm lái xe. Bây giờ chúng tôi đặt lại vấn đề là trách nhiệm chủ doanh nghiệp thế nào, trách nhiệm quản lý nhà nước thế nào. Cứ để khoán trắng cho lái xe như vậy thì tình trạng lái xe quá 4 giờ liên tục, quá 10 giờ một ngày là đương nhiên, dẫn đến áp lực, buồn ngủ, dễ gây tai nạn”, Bộ trưởng Giao thông nói.
Ông thừa nhận, thời gian qua công tác thanh, kiểm tra còn hạn chế, có tình trạng buông lỏng quản lý nhà nước; việc kiểm tra sức khỏe nhiều trường hợp chỉ là hình thức, thậm chí có lái xe nghiện ma túy vẫn được chứng nhận.
Đối với thực trạng chất lượng ở các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe, ông Thăng cho rằng, lỗi là của quản lý nhà nước. Hiện, các trung tâm không có xe số tự động để giảng dạy, chương trình, nội dung bài giảng còn bất cập…
“Có giai đoạn bùng nổ các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe nên vấn đề kiểm soát chất lượng chưa tốt. Vừa qua khi kinh tế khó khăn, người dân mua xe ít thì các trung tâm lại hạ phí, cạnh tranh không lành mạnh”, ông Thăng cho hay.
Theo ông, các trung tâm đào tạo, sát hạch thì phải dạy cho người ta lái xe chứ không phải là vào đăng ký để có bằng. Sắp tới, Bộ sẽ đưa công nghệ hiện đại vào thi cử, hạn chế thấp nhất mức tác động của con người.
Đối với việc kiểm soát chất lượng phương tiên, Bộ Giao thông sẽ phối hợp với Bộ Công thương trong việc nhập khẩu, rà soát lại việc hoán cải xe; tăng cường đặt các trạm cân trên các tuyến đường, phạt thật nặng các vi phạm, đặc biệt là phạt đối với các chủ xe. “Sắp tới Bộ sẽ có đợt kiểm tra đồng loạt trên 15 tỉnh về tải trọng xe. Nhiều người gửi thư, nhắn tin cho tôi là hoan nghênh kiểm tra tải trọng xe, nhưng cần làm chặt chẽ, công khai, minh bạch”, ông Thăng nói.
Nguyễn Hưng
Nguồn: VnExpress