Người sống sót tái hiện 'cơn ác mộng hóa học' Syria
- 8/30/2013 8:30:11 AM
Một tuần sau ngày xảy ra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học, tất cả những gì còn lại ở Syria bây giờ là nỗi ám ảnh kinh hoàng của người dân, tranh cãi về việc ai phải chịu trách nhiệm và nguy cơ của một cuộc can thiệp quân sự đang cận kề. - VnExpress
Một nạn nhân của vụ tấn công hóa học. Ảnh: AsiaNews |
Vụ tấn công xảy ra hôm 21/8. Vài giây sau vụ nổ, Qusai Zakarya, một công dân ở khu phố tây Damacus, cho biết anh gần như ngạt thở và liên tục đổ mồ hôi.
Ngay sau đó, người dân ở khu đông thành phố cũng chứng kiến hàng loạt tiếng nổ tương tự, kéo theo sự xuất hiện của những đợt khói xanh, mờ ảo và bao trùm toàn bộ bầu không khí. Hàng trăm nạn nhân, miệng chảy dãi, tay ôm ngực, được chuyển tới các bệnh viện vốn đang trong tình trạng quá tải. Đường phố la liệt thi thể của những nạn nhân xấu số, thiệt mạng trước khi được đưa đi cấp cứu.
Ký ức kinh hoàng
Theo lời các nhân chứng, những cuộc tấn công diễn ra gần như đồng thời, tại nhiều khu vực ở hai đầu thủ đô: Muadhamiya ở phía tây và Zamalka, Ein Tarma và Arbeen ở phía đông. Các khu vực này cách nhau khoảng 15km.
Ammar, người may mắn sống sót sau vụ tấn công ở quận phía tây Muadhamiya, nơi 80 người đã thiệt mạng, cho biết cả thành phố vẫn bình yên cho tới 5 giờ sáng, khi những quả bom phát nổ và tạo ra thứ âm thanh chưa từng có, theo sau là tiếng người dân la hét khắp khu phố Rawda, ngay dưới căn hộ của anh.
"Tôi cố chạy xuống đường để xem chuyện gì đang xảy ra rồi thấy mọi người liên tiếp ngã xuống và lên cơn co giật. Cơ thể tôi cũng nhanh chóng bị tê cứng", anh cho biết.
"Thứ chất độc ấy như đâm lao vào mắt tôi", Ammar miêu tả lại cảm giác của anh khi phải đối mặt với những làn khói màu xanh nhạt, tỏa ra từ chỗ bom vừa bị ném xuống khu phố. Ammar cho biết đó là những thứ cuối cùng anh nhìn thấy trước khi ngất lịm đi.
Bản đồ cho thấy các khu vực (màu đỏ) bị tấn công hóa học. Đồ họa: Google/GeoEye |
Ammar tỉnh dậy ở một bệnh viện dã chiến, nơi trước đây từng là trung tâm của tổ chức Trăng Lưỡi liềm Đỏ, và dành 5 ngày ở đây để điều trị với nước, oxy và atropine, một loại kháng sinh để ngăn chặn ảnh hưởng của chất độc tới hệ thần kinh.
Một tuần sau vụ tấn công, Ammar nói cơ thể anh vẫn chưa hoàn toàn bình phục. "Tôi liên tục đổ mồ hôi lạnh, gặp ảo giác và chảy nước mũi. Nhưng đó chẳng là gì nếu so với những cơn ác mộng."
"Tôi không ngủ được. Hình ảnh của những người chết cứ hiện lên trước mắt tôi", Ammar, 30 tuổi, người từng làm việc ở một công ty thời trang trước khi xảy ra nội chiến, nói.
Cha anh, người tự gọi mình là Abu Ammar, có nghĩa là "cha của Ammar" trong tiếng Arab, cũng may mắn sống sót sau vụ tấn công.
"Tôi chỉ kịp thấm ướt một miếng vải và bịt nó lên mặt, rồi tìm đường chạy trốn", ông Abu Ammar nói về phản ứng của bản thân sau khi phát hiện ra sự cố bất thường.
"Tôi thấy ít nhất 7 người đang quằn quại, đau đớn vì không thể làm gì" trong phòng cầu nguyện ở quảng trường al-Rawda, ông nói.
Ở đầu bên kia thành phố, Zakarya cũng gặp phải tình trạng tương tự. Anh chỉ kịp nhìn thấy hàng dài bệnh nhân nằm la liệt trên hành lang bệnh viện, bất lực chờ đợi sự giúp đỡ của các y bác sĩ, trước khi thiếp đi.
Chỉ tỉnh lại sau khi được tiêm những mũi atropine, anh cho biết "chúng khiến tôi liên tục nôn ra những hỗn hợp dịch nhầy với màu sắc quái dị. Tôi gần như kiệt sức và lại một lần nữa ngất đi", Zakarya cho biết. Sau đó, anh thấy mình đang nằm dài trên phố, chỉ mặc độc đồ lót, xung quanh là cơ thể của rất nhiều nạn nhân khác.
"Các bác sĩ buộc phải cởi đồ trên người chúng tôi và đã dùng nước để ngăn chất độc không lan rộng hơn. Chắc họ chuyển tôi ra đây để lấy chỗ cho những người khác", nhân chứng này nhớ lại.
"Tôi cảm thấy mình như Alice ở Xứ sở Thần tiên", anh nói. "Mọi ký ức đều méo mó và tôi không thể nhớ rõ bất cứ điều gì."
"Tôi vô cùng đau đớn, hai mắt như bị lửa thiêu còn tay chân thì thường xuyên tê cứng", Zakarya nói và thỉnh thoảng lại ho khan.
Theo lời các y bác sĩ, phần lớn những người được chuyển đến ngay sau khi vụ tấn công xảy đều còn sống. Những người đến sau, vì phải chịu ảnh hưởng của khí độc trong thời gian lâu hơn, đã chết trước khi được sơ cứu. Rất nhiều người trong số đó là trẻ em.
"Vì hệ thống hô hấp của trẻ em nhỏ và yếu hơn so với người lớn", một bác sĩ giải thích.
Một nạn nhân của vụ tấn công hóa học đang điều trị trong bệnh viện. Ảnh: AFP |
Hung thủ giấu mặt
Không dễ để xác định kẻ nào thực sự đứng sau vụ tấn công kinh hoàng này. Nhưng theo một số chuyên gia, lý do chủ chốt để Mỹ và Anh đưa ra lời cáo buộc với chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad là bởi, những quả tên lửa được bắn đi hồi đầu giờ sáng, khi gió còn nhẹ và nhiệt độ vẫn ở mức dễ chịu, tạo điều kiện cho khí độc nhanh chóng lan rộng.
"Chỉ một quân đoàn được đào tạo về vũ khí hóa học một cách chuyên nghiệp mới có thể làm được việc này", bà Amy Smithson, chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Hạn chế vũ khí hủy diệt hàng loạt James Martin, nói. "Chỉ Assad mới đủ khả năng làm việc này", bà đề cập tên của tổng thống Syria.
Các nhân chứng cũng cho rằng, chính quân đội là bên đứng sau vụ thảm sát, bởi không ai khác có đủ khả năng để thực hiện.
"Mấy lời cáo buộc dành cho phiến quân thật nực cười..Sao họ tự tấn công mình bằng vũ khí hóa học cơ chứ?", Ammar, nói.
Tuy nhiên, những người ủng hộ Tổng thống Assad lại cho rằng, chính phủ của họ không thể ngờ nghệch tới mức thực hiện một vụ tấn công hóa học ngay trước mắt các thanh sát viên của Liên Hợp Quốc, nhất là trong thời điểm quân đội đang giành ưu thế.
Đáp lại những lời cáo buộc của Mỹ và phương Tây, chính phủ Syria cũng khẳng định, chính những chiến đấu cơ của nước ngoài, hiện do lực lượng phiến quân điều khiển, đã thực hiện vụ tấn công. Trước lập luận rằng những nhóm quân nổi dậy hoàn toàn không có kiến thức về vũ khí hóa học và cũng chẳng đủ khả năng triển khai chúng, phe ủng hộ Assad cho rằng chính giới tình báo phương Tây đã đem những vũ khí này tới chỗ phiến quân và không quên đính kèm hướng dẫn sử dụng.
"Có một chút dư âm của Iraq ở đây", Fathi, một chủ cửa hàng ở Damascus, nhắc lại lời Ngoại trưởng Syria, Walid al-Moallem, người trước đó đã liên hệ vụ tấn công lần này tới sự kiện chiến tranh Iraq năm 2003, trong đó Mỹ cáo buộc Baghdad sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt trước khi lấy đó làm cái cớ để đưa liên quân tấn công nước này.
"Họ dựa vào đâu mà khẳng định chính quyền đứng sau vụ tấn công này? Bằng chứng đâu? Tại sao cứ đưa ra cáo buộc trước khi Liên Hợp Quốc có cơ hội để điều tra?", ông nói. "Tôi e rằng ai đó đã làm việc này và đổ lỗi cho chính quyền Assad, tạo điều kiện cho việc can thiệp quân sự của phương Tây".
Video cảnh tượng sau vụ tấn công hóa học ở Syria
Quỳnh Hoa (Theo AP)
Nguồn: VnExpress