Hàng nghìn sinh viên ĐH Hùng Vương bức xúc vì không thể tốt nghiệp
- 8/30/2013 8:30:05 AM
Không con dấu, không có hiệu trưởng chính thức nên gần 5.000 sinh viên trường ĐH Hùng Vương sống trong bức xúc, lo lắng vì không biết "số phận về đâu". - VnExpress
Trong căn phòng trọ chật chội ở đường Phạm Văn Hai (quận Tân Bình, TP HCM), 4 nữ sinh trường ĐH Hùng Vương lụi cụi chuẩn bị buổi cơm trưa với rau muống luộc và cà pháo. Đã 3 tháng nay, mọi chi tiêu sinh hoạt từ số tiền gia đình gửi cho càng ngày càng phải thắt chặt để họ có thể bám trụ lại TP HCM chờ ngày thi.
Mai Thanh, nữ sinh năm cuối của trường ĐH Hùng Vương cho biết, từ ngày “ra trường” (đã học hết chương trình đại học), ba mẹ chỉ gửi cho mỗi tháng 2 triệu đồng. Để tiết kiệm cô rủ thêm 3 người bạn thuê trọ cùng. Thanh tính, tiền phòng mỗi tháng 2,5 triệu cộng thêm tiền điện nước mỗi tháng một đứa phải trả khoảng 900.000 đồng. Chỉ còn hơn 1 triệu để chi tiêu từ ăn uống cho đến đi lại nên nữ sinh cùng các bạn phải thường xuyên ăn cơm với rau. Muốn ăn thịt, cá họ phải chờ chợ chiều để mua cho rẻ dù thức ăn có khi đã ôi. “Bọn em gần như không dám ra khỏi phòng trọ vì sợ lỡ có chuyện phải tiêu đến tiền sẽ đói đến cuối tháng luôn", Thanh rầu rĩ nói.
"Mấy tháng nay tụi em chỉ biết ngồi chờ mà không có tâm trạng để làm bất cứ việc gì. Muốn đi học thêm cũng sợ lỡ có lịch thi phải bỏ giữa chừng. Có đứa đã chuẩn bị hồ sơ xin việc, mọi giấy tờ cần thiết, chỉ thiếu... tấm bằng tốt nghiệp thôi", cô bạn cùng trường với Thanh cho biết thêm.
Không có con dấu, hàng ngàn sinh viên ở ĐH Hùng Vương không thể ra trường mặc dù đã hoàn thành chương trình học. Ảnh: Nguyễn Loan |
Còn Ngọc Thư, sinh viên khoa Ngân hàng ĐH Hùng Vương bật khóc khi được hỏi về việc thi tốt nghiệp. Thư cho biết, sau khi thực tập xong, sinh viên nhận được lịch là sẽ thi vào ngày 29/6 nhưng 21h ngày 28/6 thì website của trường thông báo hoãn thi. Và từ đó đến nay, riêng khoa Ngân hàng đã ra thông báo rồi lại hoãn thi tới 5 lần. Thậm chí, có khi trong 4 ngày trường đổi lịch tới 3 lần.
Từ tháng 7, Thư đã không dám điện về nhà. Bạn bè gọi cũng không dám nghe máy vì không biết phải trả lời mọi người như thế nào khi học xong vẫn không được thi tốt nghiệp. Quê ở miền Tây, nữ sinh này chỉ mất khoảng 4 giờ đồng hồ là có thể về được nhà. “Nhưng em không dám về vì một phần sợ có lịch thi đột ngột, một phần ngại ở quê mấy đứa bạn cùng lứa đã ra trường và đi làm. Mình học xong mà ở nhà ăn bám ba mẹ thì chẳng còn mặt mũi nào nữa”, Thư nói giọng buồn rượi.
Nữ sinh này kể, gia đình mình thuộc dạng khó khăn. Ba mẹ tần tảo nuôi cô học 4 năm đã là quá sức, giờ muốn đi làm phụ giúp gia đình cũng không nơi nào nhận vì cô chưa có bằng. "Cũng có một vài bạn thực tập xong được nhận đi làm, viết cam kết với công ty là sẽ bổ sung bằng tạm thời trong thời gian sớm nhất. Nhưng tới kỳ được nhận vào làm chính thức thì không có bằng bổ sung nên lại bị đuổi rồi", Thư nói và cho biết để có thể bám trụ được ở thành phố chờ đến ngày thi cô đi phụ quán ăn vào ban ngày, tối đi bán cà phê.
Không chỉ riêng Thư, ở lớp cô có nhiều bạn quê ở tận Hà Nội, Bắc Giang khi nhận thông báo có lịch thi chỉ cách một ngày nên phải vội vã mua vé máy bay vào Sài Gòn. Nhưng khi tới nơi không được thi lại phải bắt xe ra. Nhiều sinh viên đã đi lại như thế đến 3 - 4 lần. Khi không còn tiền để đi lại nữa đành phải bám trụ bằng cách đi làm thêm, sống lay lắt ở thành phố để chờ được thi.
Thầy Nguyễn Mộng Giao, Phó hiệu trưởng trường ĐH Hùng Vương cho biết, những năm trước, từ 15/7- 15/8 trường đã tổ chức cho sinh viên thi tốt nghiệp, đến đầu tháng 9 là đã có bằng tốt nghiệp tạm thời để các em đi xin việc. Riêng năm nay, hàng nghìn sinh viên đã hoàn thành chương trình đào tạo nhưng không thể thi tốt nghiệp bởi ngày 14/6 UBND TP HCM ra quyết định không công nhận ông Lê Văn Lý làm hiệu trưởng. Từ đó đến nay ĐH Hùng Vương như "rắn mất đầu" bởi việc bàn giao con dấu giữa ông Lý và ĐH Hùng Vương chưa hoàn thành.
Ngoài những sinh viên đang chờ thi tốt nghiệp, các sinh viên ở những khóa khác cũng không hhỏi hoang mang khi thấy tình hình “u ám” của đàn anh, đàn chị. Tổng cộng có khoảng 5.000 sinh viên bị ảnh hưởng trực tiếp từ vụ "lùm xùm" con dấu của lãnh đạo nhà trường. Một sinh viên năm 3 chia sẻ, dù đã nhận được lịch học nhưng khi nghe thông tin sẽ có kế hoạch chuyển trường cho số sinh viên còn lại ở trường ĐH Hùng Vương trên báo đài nên rất hoang mang, "không biết số phận mình sẽ về đâu".
Để đảm bảo quyền lợi cho sinh sinh viên, ông Giao cho biết, Ban giám hiệu (tạm quyền) đã có công văn xin UBND TP HCM cho sinh viên năm cuối của trường được thi, bảo vệ tốt nghiệp. Tuy nhiên UBND TP HCM trả lời rằng cho sinh viên thi trong tình trạng “không có con dấu là không đúng quy định pháp luật", đồng thời Uỷ ban cũng không chấp thuận cho nhà trường đăng ký con dấu mới vì "con dấu đang sử dụng vẫn còn giá trị pháp lý”.
Tại cuộc họp về các bên liên quan ngày 6/7, ông Hứa Ngọc Thuận, Phó chủ tịch UBND TP HCM đã giao Sở giáo dục – đào tạo TP HCM, Sở Tư Pháp hướng dẫn trường ĐH Hùng Vương chuẩn bị hồ sơ đề nghị Cơ quan điều tra Công an TP HCM tiến hành khởi tố đối với hành vi cố tình chiếm đoạt, cất giữ trái phép và không bàn giao con dấu của ông Lê Văn Lý.
Nguyễn Loan
* Tên các sinh viên đã được thay đổi.
Nguồn: VnExpress