Kiến nghị ngừng nhập khẩu chó trong 5 năm

Bốn nước Đông Nam Á đang xem xét ban hành một lệnh cấm 5 năm việc vận chuyển chó vì mục đích thương mại từ nước này sang nước khác, nhằm ngăn ngừa nguy cơ lan truyền bệnh dại. - VnExpress

Những con chó bị xếp chồng lên nhau trong quá trình vận chuyển: Ảnh: Tổ chức động vật châu Á.

Những con chó bị xếp chồng lên nhau trong quá trình vận chuyển: Ảnh: Tổ chức động vật châu Á.

Bốn nước bao gồm Thái Lan, Campuchia, Lào và Việt Nam. Kiến nghị trên đưa ra trong bối cảnh nạn buôn chó lấy thịt ngày càng lan rộng trong khu vực. Theo đánh giá của giới chuyên gia, nạn buôn bán chó liên quan trực tiếp đến việc bùng nổ các dịch bệnh như giun xoắn, bệnh tả và bệnh dại. Tổ chức Y tế Thế giới gần đây đưa ra khuyến cáo, nạn buôn bán chó chính là tác nhân bùng phát dịch bệnh dại ở Indonesia và bệnh tả ở Việt Nam.

Các quan chức đến từ bốn nước nêu trên kiến nghị cần có các đánh giá rủi ro của mối liên hệ giữa việc vận chuyển chó số lượng lớn và việc lan truyền bệnh dại, đồng thời đẩy mạnh việc thực thi các quy định hiện hành về việc vận chuyển chó.

Các nước trong khu vực cũng mong muốn các tổ chức quốc tế hỗ trợ các nguồn lực về kỹ thuật, nhân lực, và tài chính để củng cố khả năng loại trừ bệnh dại. 

Tại buổi tọa đàm “Loại trừ bệnh dại từ chó ở khu vực Đông Nam Á: Chấm dứt việc buôn bán chó bất hợp pháp và thực hiện các giải pháp bền vững”diễn ra cuối tuần trước, các chuyên gia cho biết, theo ước tính, mỗi năm có tới 5 triệu con chó bị buôn bán từ Thái Lan, Campuchia và Lào sang Việt Nam để lấy thịt.

Nạn buôn chó lậu từ Thái Lan sang Việt Nam

Theo nhận định của các nhà bảo tồn, việc buôn bán chó đang cản trở những nỗ lực loại trừ bệnh dại, bởi việc vận chuyển có thể mang theo nhiều con chó bị bệnh từ nước nay sang nước khác.

"Tình hình bệnh dại đã trở nên nghiêm trọng hơn - đặc biệt là trong năm nay. Một trong các lý do chính là nạn buôn lậu chó qua biên giới", bà Nguyễn Thu Thủy, Cục phó Cục Thú y của Việt Nam, phát biểu.

"Việc buôn bán thịt chó đã thúc đẩy tệ buôn lậu, những con chó bị đưa từ nước này sang nước khác mà không hề có thông tin gì về bệnh trạng hay chủng ngừa của chúng", Tiến sĩ Tuấn Bendixsen, Trưởng đại diện Tổ chức động vật châu Á tại Việt Nam nói.

Ông John Dalley, sáng lập viên Tổ chức Soi Dog Thái Lan, cho rằng chỉ cần một động vật bị nhiễm bệnh cũng đủ để bắt đầu một đại dịch. Theo Dalley, chặn nguồn cung và cầu đối với thịt cho là điều cần thiết để chấm dứt nạn buôn lậu.

"Chúng ta không nói đến thay đổi văn hóa hay thói quen, mà là việc ngăn chặn bệnh tật có thể gây ra cho con người", ông nói thêm.

Việt Nam là một trong số ít các nước ở châu Á mà người dân ăn thịt chó.

Video: Vận chuyển chó lậu

Trung tuần tháng này, gần 90 người ở xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội bị chó cắn. Dù chưa có trường hợp tử vong, vấn đề này khiến người địa phương lo sợ những con chó đó sẽ di cư và gây bệnh.

Giới chức địa phương đã cho lập 9 đội, mỗi đội hơn 30 người gồm nhiều thành phần, chủ yếu dùng gậy gộc để tìm và diệt chó. Chính quyền xã cũng liên tục thông tin trên loa truyền thanh, phát tờ rơi để người dân cảnh giác.

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, trong giai đoạn từ năm 1991-2010 có gần 9 triệu người nghi bị chó dại cắn, trong đó có gần 4.000 ca tử vong. Bệnh dại thường tập trung ở một số địa phương có tỷ lệ chó được tiêm phòng thấp, trong đó có những địa phương 5 năm liền có dịch như Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái, Hà Nội, Gia Lai, Đăk Lắk, Bình Thuận.

Hương Thu

Nguồn: VnExpress