Tấn công Syria là 'đổ thêm dầu vào lửa'

Cuộc tấn công của Mỹ và các đồng minh vào Syria được dự báo sẽ chỉ càng khiến tình hình ở nước này thêm leo thang, vì nó có thể không đủ mạnh để buộc tổng thống Bashar al-Assad phải đầu hàng. - VnExpress

fsdafdf

Tàu sân bay USS Harry Truman đã được điều động cho một chiến dịch quân sự có thể được tiến hành nhằm vào Syria. Ảnh: Trumanblog

Đáp lại câu hỏi về nguy cơ của một cuộc chiến tranh tổng lực nhằm vào Syria, giới chức của Lầu Năm Góc, Mỹ, hôm qua tuyên bố, vụ tấn công sắp tới của quân đội Mỹ chỉ nhằm "ngăn chặn và làm suy yếu" lực lượng an ninh của chính quyền Bashar al-Assad, thay vì cố gắng thay đổi cán cân quyền lực ở quốc gia Trung Đông này. 

Nếu nhận lệnh của Tổng thống Barack Obama, hải quân Mỹ sẽ sử dụng 4 tàu khu trục đang được đặt ở Địa Trung Hải, với hàng chục tên lửa hành trình Tomahawk được vũ trang trên mỗi chiếc. 

Những chiến hạm này được đặt đủ gần để tấn công Syria ngay khi có lệnh, và đủ xa để thoát khỏi phạm vi tấn công lên tới 320 km của tên lửa chống hạm Yakhont, do Nga sản xuất và bán cho Syria.

Và để làm yên lòng người dân, phía Mỹ cũng tuyên bố, họ sẽ không nhằm vào các cơ sở sản xuất vũ khí hóa học, để tránh gây thiệt hại trên diện rộng. 

Kịch bản tấn công này thực ra không hề lạ, đặc biệt là với những ai từng chứng kiến vụ không kích của chính quyền Bill Clinton nhằm vào tổ chức khủng bố al-Qaeda hồi năm 1998, và chiến dịch Cáo Sa mạc của liên quân Anh - Mỹ cũng trong tháng 12 năm đó. 

"Chúng tôi đã sẵn sàng hành động", Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel nói trong một cuộc phỏng vấn với BBC

Như để chứng minh cho tuyên bố đanh thép này, hải quân Mỹ đã nhanh chóng tăng cường mức độ hiện diện quân sự của họ ở phía đông Địa Trung Hải, ngay sau khi Washington thông báo đã tìm ra bằng chứng cho thấy chính phủ Assad dùng vũ khí hóa học để đàn áp người dân.

Hai tàu sân bay USS Harry Truman và USS Nimitz cũng đã nhanh chóng được đưa tới miền bắc Biển Arab, sẵn sàng đưa hàng chục chiến đấu cơ tới gần Syria ngay khi được yêu cầu. Ngoài ra, tàu ngầm được trang bị tên lửa hành trình cũng đã được huy động.

Theo kế hoạch ban đầu, Lầu Năm Góc nhiều khả năng sẽ nhằm vào các sân bay quân sự và máy bay, trực thăng của chính quyền Assad. Việc nối dài thêm danh sách các mục tiêu sẽ buộc Mỹ phải huy động thêm nhiều chiến đấu cơ, thứ yêu cầu việc phối hợp hoạt động phức tạp hơn so với tên lửa hành trình.

Không lật đổ chính quyền Syria

Việc tấn công trong khi chưa tìm được bằng chứng khẳng định chính quyền Assad sử dụng vũ khí hóa học có thể khiến Washington rơi vào vết xe đổ của cuộc không kích nhằm vào al-Qaeda dưới thời Clinton. Sự kiện này xảy ra hai tuần sau vụ khủng bố đẫm máu ở đại sứ quán Mỹ tại Kenya và Tanzania hồi năm 1998, khiến hơn 200 người thiệt mạng hồi năm 1998. Tổng thống Clinton khi đó đã ký quyết định bắn tên lửa hành trình vào một trại huấn luyện binh sĩ của al-Qaeda ở Afghanistan và một nhà máy ở Sudan.

Trong Chiến dịch Cáo Sa mạc, liên quân Anh - Mỹ cũng sử dụng tên lửa hành trình và chiến đấu cơ để làm suy yếu khả năng sử dụng vũ khí hóa và sinh học của cựu tổng thống Iraq Saddam Hussein. Hành động này được lý giải là nhằm đáp trả việc Baghdad từ chối hợp tác với các thanh sát viên Liên Hợp Quốc để kiểm tra chương trình vũ khí của nước này.

Vụ tấn công này sau đó đã trở thành nạn nhân của một loạt các lời chỉ trích, khiến người ta đặt câu hỏi về việc liệu nhà máy đó có thực sự sản xuất vũ khí hóa học như lời chính quyền Clinton vẫn nói, hay đây là một sơ xuất của lực lượng quân đội tinh nhuệ bậc nhất thế giới.

Cùng với Lầu Năm Góc, Nhà Trắng hôm qua cũng nhấn mạnh rằng mục tiêu của họ là ngăn Syria sử dụng vũ khí hóa học một lần nữa thay vì lật đổ ông Assad.

"Tôi muốn nói rõ rằng, kế hoạch mà chúng tôi đang xem xét không phải nhằm thay đổi chế độ", phát ngôn viên Nhà Trắng, Jay Carney, nói. "Chúng là để đáp trả hành động vi phạm các tiêu chuẩn quốc tế về việc cấm sử dụng vũ khí hóa học của chính phủ Syria". 

Tuy nhiên, ông Carney cũng khẳng định al-Assad đang dần đánh mất uy tín của một nhà lãnh đạo. "Chúng tôi có niềm tin chắc chắn rằng... tương lai của Syria không cho phép việc cầm quyền của al-Assad", ông nói trong cuộc phỏng vấn với Washington Post.

Chỉ không kích là không đủ

Đáp lại tuyên bố về cuộc tấn công sắp tới của Mỹ, các nhóm phiến quân Syria hôm qua cảnh báo, chỉ không kích là không đủ, nó thậm chí còn có thể phản tác dụng, nếu đó không phải một phần của chiến lược quân sự mạnh hơn. 

Những nhóm phiến quân, hiện trú ẩn ở biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết Washington không cung cấp đủ cho họ số vũ khí đã cam kết. Mối lo ngại lớn nhất của những người này là chính quyền Assad vẫn đủ mạnh để sống sót sau vụ không kích và sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ khắp thế giới Arab để chống lại Mỹ cùng  các đồng minh.  

"Chúng tôi sẽ góp sức nếu đó là một cuộc tổng tấn công. Còn nếu hành động này chỉ đóng vai trò thứ yếu, thì thật không đáng để quan tâm", đại tá Ahmed Hamada, chỉ huy cấp cao của Quân đội Tự do Syria, tổ chức đang đóng quân ở khu vực gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, nói. "Chính quyền Assad có thể dùng vụ tấn công làm một cái cớ để nói rằng họ đang là nạn nhân. Nó chỉ khiến họ mạnh thêm".

Phía Pháp cũng cho biết họ đã sẵn sàng "trừng phạt" những kẻ đứng sau vụ thảm sát hồi cuối tuần trước, và rằng cả thế giới có trách nhiệm phải hành động. 

"Pháp sẵn sàng trừng phạt những kẻ đã dùng khí độc để tấn công người vô tội", ông  Francois Hollande nói. 

Một đồng minh khác của Mỹ là London cũng đang lên kế hoạch thực hiện cuộc đáp trả "tương xứng" với vụ tấn công vũ khí hóa học ở Syria. Tuy nhiên, việc này không phải cứ muốn là được, bởi bản thân Thủ tướng David Cameron cũng phải đối mặt với những áp lực từ nội bộ nước Anh, bao gồm cả các thành viên trong đảng Bảo thủ của ông, trước khi có được sự ủng hộ của Quốc hội và đẩy nước này tới một cuộc chiến mới. 

Băn khoăn lớn nhất của người Anh lúc này là, liệu việc can thiệp quân sự vào Syria mang lại lợi ích cho London hay không, đặc biệt là nếu không có sự ủy nhiệm của Liên Hợp Quốc. 

"Tôi cần một lời giải thích", ông Andrew Bridgen, thành viên của đảng Bảo thủ Anh, người đã tập hợp 81 chữ ký trong bức thư gửi tới thủ tướng Cameron, nói. 

"Tại sao al-Assad chọn vũ khí hóa học để đàn áp người dân, trong khi biết rõ nó có thể gây ra những hậu quả khôn lường?", ông cho biết, nói thêm rằng "quân đội của chúng tôi từng bị lạm dụng và đã quá mệt mỏi vì chiến tranh".

linh-Syria-ap-1377692502.gif
Một binh sĩ của chính phủ Syria mang trên vai khẩu súng có dán hình tổng thống Assad. Ảnh: AP

"Đổ thêm dầu vào lửa"

Richard Kemp, cựu chỉ huy quân đội Anh ở Afghanistan, đồng thời là chuyên gia phân tích quân sự ở London, cũng đồng tình với Bridgen. Ông nói rằng nước Anh có thể góp mặt trong cuộc tấn công nếu đó là một nỗ lực "đa quốc gia".

Khi được hỏi về kịch bản tấn công, ông cho rằng hệ thống phòng không tinh vi của Syria phải được "vô hiệu hóa" trước tiên, và lực lượng quân đội của Anh ở đảo Cyprus, Địa Trung Hải, có thể đóng vai trò quan trọng, trong trường hợp London thực sự tham chiến. 

Căn cứ quân sự của Anh trên đảo Cyprus "có thể được dùng để triển khai chiến đấu cơ hoặc sử dụng để chỉ huy và kiểm soát, hoặc cho mục đích thu thập thông tin tình báo", hãng tin WSJ dẫn lời ông Kemp. 

Trong một cuộc hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin hôm thứ hai, ông Cameron khẳng định mong muốn buộc chính quyền Assad phải chịu trách nhiệm về các hành động của họ. "Không có bằng chứng cho thấy phe đối lập có thể thực hiện một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở quy mô lớn như vậy", phát ngôn viên của Văn phòng Thủ tướng Anh nói.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, một vụ tấn công ở quy mô nhỏ hoặc vừa có thể chỉ càng khiến Mỹ và các đồng minh thêm áp lực trong việc gia tăng những động thái hỗ trợ phiến quân và buộc Assad phải từ bỏ quyền lực. 

"Cuộc tấn công, dù chỉ kéo dài vài ngày, cũng sẽ thay đổi cục diện cuộc chiến", Marc Lynch, giám đốc Chương trình Nghiên cứu Trung Đông, thuộc Trường Quan hệ Quốc tế Elliott, Đại học George Washington, nói.

"Động thái này sẽ chỉ khiến xung đột leo thang, thay vì chấm dứt nó", ông nói thêm.

Quỳnh Hoa (Tổng hợp)

Nguồn: VnExpress