‘Mô hình chính quyền địa phương đã lỗi mốt’
- 8/28/2013 8:30:03 AM
Cho rằng chính quyền địa phương hiện nay giống như búp bê Matryoshka na ná nhau và lỗi mốt, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng cũng lo ngại sự chồng chéo chức năng, chủ nghĩa hình thức và cách làm theo phong trào. - VnExpress
Ông Dũng trao đổi với VnExpress về vấn đề cải cách chính quyền địa phương, khi một số thành phố lớn trong đó có TP HCM đang rốt ráo nghiên cứu, đề xuất mô hình chính quyền đô thị cho riêng mình.
- Tại cuộc thảo trao đổi kinh nghiệm với Nhật Bản vào cuối tuần trước, có một bài học ở nước này là sau 5 năm bãi bỏ hội đồng huyện họ cũng phải bãi bỏ cơ quan hành chính huyện. Việt Nam nên nhìn nhận điều này như thế nào?
- Điều này cho thấy chính quyền địa phương phải gồm hai bộ phận: hội đồng và cơ quan hành chính. Không có hội đồng thì khó có thể có cơ quan hành chính. Kinh nghiệm của Nhật Bản cho chúng ta thấy nếu chúng ta vẫn tiếp tục giữ cấp huyện thì phải cân nhắc rất kỹ việc bỏ HĐND.
Xuất phát từ thực tiễn của Việt Nam, nhiều người nêu quan điểm mà tôi thấy hợp lý là có thể xác lập ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM…chính quyền 2 cấp, bỏ cấp phường. Còn các tỉnh thì nên 3 cấp: tỉnh, huyện, xã.
Ở thành phố sở dĩ có thể xác lập chính quyền 2 cấp vì các dịch vụ thường liên thông, khoảng cách không gian thì gần gũi. Còn ở nông thôn, vùng núi, vùng sâu xa, không gian cách biệt, từ tỉnh xuống xã rất khó khăn. Đồng thời, cấp xã, cấp chính quyền cuối cùng có quy mô quá bé (bé hơn cấp cơ sở của Nhật bản rất nhiều). Nếu không có cấp huyện làm trung gian, thì sẽ rất khó khăn cho cấp tỉnh trong việc giữ mối liên hệ với cấp xã.
- Ông đánh giá như thế nào về nhu cầu cải cách chính quyền địa phương ở Việt Nam hiện nay?
- Tôi đánh giá là rất cấp bách. Chính quyền địa phương hiện nay đã có nhiều cố gắng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cung cấp dịch vụ cho dân. Tuy nhiên, sự chồng chéo chức năng là rất phổ biến; chủ nghĩa hình thức, cách làm theo phong trào cũng khá nặng nề. Ngoài ra, hệ thống khuyến khích phục vụ dân chưa được thiết kế mạch lạc; chế độ trách nhiệm trước dân cũng không thật rõ ràng.
Hệ thống chính quyền địa phương chúng ta đang có chủ yếu được thiết kế theo mô hình Xô Viết: các cấp chính quyền to nhỏ khác nhau, nhưng đều có chức năng, nhiệm vụ na ná như nhau (giống như búp bê Nga Matryoshka). Búp bê Matryoshka thì tất cả các con đều xinh, nhưng những con bé hơn đều bị con lớn nhất che khuất hoàn toàn.
Ông Nguyễn Sĩ Dũng. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
-Với nhu cầu đó, cần cải cách mô hình chính quyền địa phương theo hướng nào?
- Theo hướng nào thì còn phụ thuộc vào mục đích cải cách của chúng ta. Nếu chúng ta muốn có một xã hội lớn và một nhà nước bé, thì có thể bỏ bớt đi một cấp chính quyền địa phương (hai cấp chính quyền địa phương là mô hình được thiết kế ở đa số các nước trên thế giới). Nếu chúng ta muốn tăng cường khuyến khích phục vụ dân, thì cần để dân bầu trực tiếp cả người đứng đầu bộ máy hành chính. Tuy nhiên, theo bất cứ hướng nào thì sự phân công, phân quyền giữa các cấp đều phải rất rõ ràng, mạch lạc. Búp bê Nga Matryoshka là một thứ lỗi mốt ở đây.
Các học giả thường nói đến 4 mô hình tổ chức chính quyền địa phương: mô hình song trùng trực thuộc (như của Liên Xô trước đây); mô hình song trùng giám sát (như của Pháp); mô hình hỗ trợ cho nhau (như của Đức); mô hình điều chỉnh (như của Anh).
Mỗi mô hình đều có nguồn gốc lịch sử của nó. Ví dụ, mô hình của Đức hình thành lên do nhu cầu phải tập hợp nhau lại để chống ngoại xâm của các tiểu vương quốc. Khi hình thành nên một nhà nước lớn hơn, thì các tiểu vương quốc chuyển những quyền năng mà chúng không thực hiện được cho nhà nước này. Đây là mô hình dưới làm tất cả, cái gì không làm được thì mới nhường lên trên. Hay mô hình của Pháp, trung ương cử đại diện xuống giám sát, vốn đọng lại từ thời Lã Mã xâm chiếm châu Âu và cai trị bằng cách cử các sứ giả đại diện cho mình xuống các vùng lãnh thổ.
Vấn đề là xét về góc độ lịch sử chúng ta gần với mô hình nào hơn. Không có một công trình nghiên cứu công phu khó lòng trả lời được câu hỏi này.
- Việc thí điểm bỏ HĐND quận, huyện, phường tiến hành thời gian qua phần nào thể hiện nhu cầu cải cách ở Việt Nam. Tuy nhiên, một số địa phương thí điểm bộc lộ lúng túng. Ý kiến của ông?
- Theo tôi, “bộc lộ lúng túng” là điều khó tránh khỏi. Bởi vì rằng bỏ HĐND không chỉ đơn giản là bỏ bớt một cơ quan, mà là bỏ mất một bộ phận cấu thành của nền quản trị địa phương. Trong một nền quản trị, có cơ quan đề xuất chính sách thì phải có cơ quan thẩm định chính sách; có cơ quan thực thi chính sách thì phải có cơ quan giám sát việc thực thi. Đó chính là sự phân chia công việc giữa HĐND và UBND trong một quy trình quản trị địa phương thống nhất. Không có HĐND không có nghĩa chính sách đưa ra không được thẩm định; việc thực thi chính sách không được giám sát. Mà như vậy thì lúng túng chỉ là chuyện nhỏ. Sự lạm quyền, sự phân bổ nguồn lực sai lệch, sự thao túng của lợi ích nhóm là những thứ đang chờ chúng ta ở phía trước.
Ngoài ra, quyền lực chỉ hợp pháp khi được nhân dân ủy quyền. Quyền lực ở cấp huyện cũng vậy. Không có một cơ quan được dân bầu, thì quyền lực hợp pháp sẽ không thể phát sinh.
- Vậy ông lý giải thế nào về những phản hồi tích cực từ nhiều địa phương?
- Tôi cho rằng, nếu nghe cho hết cả hai tai thì ý kiến phản hồi là rất khác nhau. Vấn đề nhiều khi phụ thuộc rất lớn vào việc chúng ta muốn nghe cái gì.
Có thể số liệu về việc đa số người dân được hỏi đồng ý bỏ HĐND huyện là trung thực. Tuy nhiên, đây chỉ là ý kiến của người dân ở một thời điểm nhất định và với những thông tin nhất định mà họ có. Ý kiến của người dân có thể thay đổi khi có những tranh luận xã hội tích cực hơn, đầy đủ hơn.
Nguyễn Hưng thực hiện
Nguồn: VnExpress