Thủ khoa kép Đại học Lâm nghiệp là 'tín đồ' bóng đá
- 8/27/2013 8:30:06 AM
Lê Thái Sơn đỗ thủ khoa đầu vào rồi tiếp tục được vinh danh lần nữa khi tốt nghiệp với số điểm gần như tuyệt đối 3,9/4. - VnExpress
Thái Sơn trong lần hội ngộ những thủ khoa năm 2013. |
Sinh ra trong một gia đình nhà giáo ở Chương Mỹ (Hà Nội), ngay từ nhỏ Lê Thái Sơn đã có sự dìu dắt, hướng dẫn từ bố mẹ. Chị gái đang chuẩn bị đi du học cũng luôn là tấm gương sáng để Sơn noi theo.
Trong kỳ thi đại học năm 2009, Sơn đỗ Đại học Bách khoa Hà Nội và trở thành thủ khoa đầu vào của Đại học Lâm nghiệp. Bốn năm sau, Sơn lại tốt nghiệp thủ khoa với số điểm gần như tuyệt đối 3,9/4. Chia sẻ bí quyết trở thành thủ khoa, Sơn cho biết điều quan trọng nhất là phải bình tĩnh, không bị căng thẳng dẫn đến áp lực tâm lý trong mọi chuyện. Đam mê rất lớn với bóng đá giúp cậu chưa bao giờ bị áp lực tâm lý trong bất kỳ chuyện gì.
"Bạn bè nhắc tới em, nếu không phải việc học thì chỉ có bóng đá. Mỗi tuần mà không được đá ít nhất vài trận là em cảm thấy rất khó chịu. Đá bóng giúp giải tỏa stress, giải quyết mọi chuyện một cách vui vẻ, không phải suy nghĩ nhiều", Sơn chia sẻ.
Thủ khoa kép cũng là cầu thủ ghi bàn xuất sắc. |
Chiều cao 1m70 không tương xứng với trọng lượng 53 kg, Sơn khẳng định đá bóng giúp em cảm thấy khỏe mạnh hơn. "Cứ mỗi lần cảm giác người ốm bệnh, đá trận bóng sẽ thấy ổn ngay", chàng trai trẻ tinh nghịch nháy mắt nói. Ngày mới vào đại học chưa quen bạn bè, tuần chỉ được đá một trận bóng là cậu bứt rứt không chịu được.
"Khi đã đông bạn bè, tuần đá 4-5 trận", Sơn kể chuyện đầy hào hứng. Trong bảng thành tích của mình, cậu cũng đã nhiều lần đạt danh hiệu vua phá lưới của khoa.
Thời học phổ thông, Sơn chỉ tập trung chính vào thi khối A, nên không quan tâm lắm đến khối B, xác định thi chơi. Không ngờ cậu đỗ cả hai trường, mà chính việc thi khối B lại đưa cậu đến ngôi vị thủ khoa. Sau khi biết kết quả, Sơn vẫn muốn học Bách khoa. Nhờ sự phân tích của gia đình, đặc biệt giấc mơ kiếm tìm môi trường phù hợp để có nhiều cơ hội du học, Sơn quyết định học Đại học Lâm nghiệp. "Hơn nữa, danh vị thủ khoa cũng là một lý do giữ em ở lại trường", Sơn khẳng định.
Mỗi ngày Sơn học không nhiều, dù học phổ thông hay lên đại học, thậm chí là quãng thời gian gấp rút ôn thi đại học. Khung giờ học yêu thích của Sơn dao động từ 23h đến 1h sáng. Thói quen ấy được duy trì ngay từ khi học phổ thông và đến giờ chưa thể thay đổi. "Theo em, mình chỉ cần tập trung cao độ vào những khung giờ tĩnh, ít các hoạt động bên ngoài chi phối", Sơn khẳng định.
Lên đại học, với cách học hoàn toàn mới, Sơn cảm thấy rất hứng thú vì không bị áp đặt và được đề cao tính sáng tạo, đam mê. "Ngay khi bước chân vào đại học, em đã được các thầy cô nói nhiều tới nghiên cứu khoa học. Em cảm thấy rất hứng thú và bắt tay vào tham gia từ ngay năm đầu đại học", thủ khoa kép đại học Lâm nghiệp cũng cho biết.
Thái Sơn (hàng dưới, thứ ba từ phải sang) đạt giải nhất cuộc thi "Olympic Thanh niên quốc tế về lâm nghiệp lần thứ 7" tổ chức tại Mátxcơva (Nga) |
Trong thời gian thi cuối kỳ năm 2012, Sơn vừa phải tập luyện tham gia giải bóng đá Sinh viên toàn quốc, vừa hoàn thành báo cáo khoa học để kịp gửi dự thi lên Bộ Giáo dục Đào tạo. "5h sáng dậy tập bóng đến 8h30, sau đó em lên phòng phân tích làm việc rồi về nhà ăn trưa, chiều lại tiếp tục làm nghiên cứu khoa học, 16h30 quay trở về với sân bóng; cả buổi tối dành cho việc ôn thi", Sơn chia sẻ.
Đam mê nghiên cứu khoa học đã giúp cậu gặt hái được nhiều thành tích, liên tục đạt nhiều giải thưởng. Sơn đạt giải nhất cuộc thi "Olympic Thanh niên quốc tế về lâm nghiệp lần thứ 7" tổ chức tại Mátxcơva (Nga), giải nhì cuộc thi "Sinh viên nghiên cứu khoa học năm học 2010-2011" của Đại học Lâm nghiệp, giải nhì cuộc thi "Tài năng khoa học trẻ Việt Nam 2011".
"Đừng chỉ tập trung vào chuyện học, phải tham gia các hoạt động tình nguyện, thể dục, thể thao… Nếu chỉ học mà không chơi thì sẽ mất một nửa đời sinh viên", Sơn nói vui.
Sơn đang trau dồi thêm tiếng Anh để tự tin đi du học ở miền đất mình yêu thích. Chàng trai trẻ tâm sự, trong thời gian học đại học đã có cơ hội đi du học ở Nga nhưng ước mơ của em là được học ở Mỹ.
Bài và ảnh: Nguyễn Hòa
Nguồn: VnExpress