Con gái Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận phác thảo tượng cha

Bà Võ Hòa Bình, con gái thứ 2 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tin rằng Đại tướng sẽ rất vui khi biết tình cảm mà đông đảo mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ dành cho ông. - VnExpress

danh-tuong-viet-nam-con-gai-dai-tuong-vo
Bà Võ Hòa Bình, con gái thứ hai của Đại tướng Võ Nguyên Giáp xúc động khi nhận được nhiều tình cảm, lời chúc từ mọi người dành tới người cha sắp tròn 102 tuổi của mình. Ảnh: Quỳnh Trang 

Bà Võ Hòa Bình đại diện gia đình có mặt trong buổi ra mắt các tác phẩm điêu khắc thuộc dự án “Danh tướng Việt Nam” diễn ra tại tại Bảo tàng Lịch sử và Quân đội Việt Nam sáng 24/8.

Bày tỏ sự xúc động khi sự kiện này được tổ chức để mừng thọ 102 tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/2013), bà Bình cho biết "rất hân hạnh và hạnh phúc" khi được thay mặt gia đình tham dự sự kiện. "Tôi thực sự cảm động, trân trọng và cảm ơn tấm lòng mà mọi người dành cho Đại tướng. Khi về nhà, tôi sẽ kể lại cho người nghe về chương trình hôm nay. Chắc chắn Đại tướng sẽ rất vui vì nó thể hiện sự gắn bó, đoàn kết, nhiệt tình của đông đảo mọi người, đặc biệt là các thế hệ trẻ dành cho người”, bà Bình nói.

Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Hà Nội cũng trao tặng bức tranh cổ nổi tiếng về Phật hoàng Trần Nhân Tông xuống núi - "Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ" - để mừng thọ vị Đại tướng.

Trong chương trình sáng này, các tác phẩm tượng về danh tướng Việt Nam bằng nhiều chất liệu với kích thước vừa phải, phù hợp với mọi không gian đã ra mắt.

Đợt đầu tiên có 4 nhân vật lịch sử được chọn để tạo hình gồm Việt quốc công Lý Thường Kiệt, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

DTD-6731-JPG-1377335243.jpg
Tượng Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ được trưng bày trong buổi ra mắt các tác phẩm điêu khắc thuộc dự án "Danh tướng Việt Nam". Ảnh: Quý Đoàn.

Là chủ tịch Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Hà Nội – đơn vị giúp đỡ tổ chức dự án “Danh tướng Việt Nam”, nhà sử học Dương Trung Quốc đã chỉ ra thực trạng thiếu hụt sản phẩm văn hóa lịch sử có tính ứng dụng của nước nhà. Theo ông, khi tới các di tích lịch sử, mọi người không biết mua vật lưu niệm gì. Muốn trao đổi với bạn bè nước ngoài về lịch sử Việt Nam cũng chẳng có vật phẩm gì như huy hiệu, tượng nhỏ, áo phông....

Thiếu tướng Lê Mã Lương cũng có chung quan điểm về sự thiếu hụt sản phẩm văn hóa lịch sử Việt này. Ông cho rằng, ở Việt Nam có rất nhiều pho tượng lớn để ngoài trời nhưng không phải ai cũng có thể đến xem hết các tác phẩm ấy. Trong khi đó, các bức tượng nhỏ để mọi người dân đều có thể mua và đặt trong nhà thì rất hiếm. Khi ra nước ngoài, ông cũng không thể tìm được một sản phẩm lưu niệm về danh tướng Việt Nam. Bên cạnh đó, các tác phẩm tượng về con người lịch sử hiện có ở nước ta ít được chú ý đến giá trị diện mạo.

Trước thực trạng này, thiếu tướng và nhà sử học cho rằng, sự ra đời của những tác phẩm trong dự án “Danh tướng Việt Nam” là cấp thiết. Việc thu nhỏ tượng đài là việc làm thiết thực, ý nghĩa. "Nó có thể bù lại được phần đang trống về sản phẩm văn hóa mà đôi khi chúng ta phải nhập vào các vật không có chất lượng và còn xa lạ văn hóa Việt Nam. Những sản phẩm này còn có thể dùng để thờ, trang trí trong nhà hay quà tặng… Tất cả đều giúp quảng bá lịch sử Việt Nam và dễ đi vào đời sống”, ông Dương Trung Quốc nói.

Ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa thể thao và du lịch - tác giả bức tượng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đặt tại Nam Định - cũng tin rằng, những vật phẩm về các danh tướng này sẽ có sức lan tỏa rộng rãi.

Những tác phẩm điêu khắc thuộc dự án “Danh tướng Việt Nam” được thực hiện trên các chất liệu đồng, đá, thạch cao, hỗn hợp composite… hội đủ những yếu tố như đường nét tinh tế thể hiện thần thái của một vị anh hùng dân tộc, tỷ lệ hài hòa cân đối.

tuong-hung-dao-dai-vuong-JPG-1377335243.
Tượng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và Hoàng đế Quang Trung được thực hiện dễ dàng hơn bởi đã có nguyên mẫu là các tác phẩm tượng đã được xã hội công nhận. Ảnh: Quý Đoàn.

Trong 4 tác phẩm về danh tướng Việt ra mắt đợt đầu có tượng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và vua Quang Trung đã hoàn tất. Các tác phẩm này đều thực hiện dựa trên những bức tượng được xã hội công nhận và dùng công nghệ thu nhỏ lại. Tuy nhiên tượng Việt quốc công Lý Thường Kiệt và Đại tướng Võ Nguyên Giáp mới dừng ở giai đoạn thiết kế hình ảnh.

"Hình tượng về Lý Thường Kiệt thiếu và yếu cả về số lượng lẫn chất lượng. Hiện không có một tượng đài nào mà chỉ có một số tượng thờ ông trong các ngôi đền, đình với đặc điểm nhận dạng không đặc sắc. Đây chính là khó khăn lớn nhất khiến tác phẩm về danh tướng này bị chậm trễ", nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết.

Anh Trần Thanh Tùng, người sáng lập Hội quán Di sản – đơn vị thực hiện dự án “Danh tướng Việt Nam” - thì hi vọng 2 bức tượng còn lại sẽ ra mắt đúng dịp 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2014) và 910 năm ngày mất của Việt quốc công Lý Thường Kiệt (1105 - 2015). “Ngay sau buổi ra mắt hôm nay chúng tôi sẽ đưa tất cả các ý kiến chuyên gia và nhân chứng sống vào tổng hợp và bắt tay thực hiện hai tác phẩm còn lại. Thông qua những sản phẩm này, chúng tôi hi vọng có thể giúp người Việt và bạn bè thế giới hiểu hơn về văn hóa, lịch sử Việt, thái độ của người trẻ với lịch sử nước nhà”, anh Tùng chia sẻ.

Quỳnh Trang

Nguồn: VnExpress