Nghề luyện trâu cho Tây cưỡi
- 8/24/2013 8:30:34 AM
"Chọn được con trâu ngoan, người quản trâu cũng phải có thời gian huấn luyện cho con vật tiếp xúc với người lạ, quen mùi nước hoa, có khi mất cả 4 năm trời mới dám mang trâu cho Tây cưỡi", ông Phạm Hò ở Hội An (Quảng Nam) nói. - VnExpress
Trời nắng gắt, ông Phạm Hò (51 tuổi) ở xã Cẩm Thanh nghe cuộc điện thoại của công ty lữ hành vừa mở tour cho khách du lịch cưỡi trâu, kéo cày, lập tức dắt con trâu lớn hơn 5 tạ đang gặm dở đám cỏ non lên đường đến chỗ hẹn. 11 năm nuôi dưỡng chú trâu này, giờ ông và trâu đã có nghề mới: làm bạn với khách Tây.
Ông Hò (bên phải) tập cho trâu cách giữ thăng bằng khi có người đứng trên lưng. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Giữ cho trâu đứng dưới ruộng lúa nước, người quản trâu giúp khách ngồi lên trên cho vững, trâu đi một đoạn mới thả tay khỏi người vị khách nước ngoài để đảm bảo an toàn. Ra giữa ruộng, ông "chọc" cho trâu chạy nhanh hơn và cùng khách Tây reo hò. Con trâu đang đi bỗng đứng lại. Ông Hò bảo ông cậu đang làm nũng đấy, rồi lại gần ghé vào tai trâu nói: "Đi tới con, đi tới con".
Nhà ông Hò vốn làm nông và con trâu là cơ nghiệp giúp ông cũng như nhiều hộ dân nơi đây chăm lo cho con cái học hành, cuộc sống đỡ vất vả. "Nhưng giờ không phải ai cũng mặn mà với nghề nông nữa rồi. Nếu như trước đây nhà ai cũng có một con trâu dùng làm sức kéo, thì giờ cả thôn chỉ còn năm người nuôi", ông nói.
Trước khi trở thành "mối" dắt trâu làm du lịch, ông Hò cũng nhiều lần giữ trâu cho khách Tây đạp xe ngắm cảnh ngoại ô phố Hội cưỡi. Ban đầu, trâu không chịu nghe theo. Về nhà, ông Hò kiên nhẫn dạy trâu cách đứng qua phải, qua trái theo hiệu lệnh, hay giữ thăng bằng, đi nhanh, đi chậm… khi có người ngồi lên trên.
Đưa trâu đi phục vụ du khách, ngoài việc tìm được con trâu hiền tính, chịu tiếp xúc với người lạ, người quản trâu cũng phải luôn nhiệt tình, chịu khó. Ảnh: Nguyễn Đông |
"Có được con trâu hiền lành, chịu khó không dễ. Nhưng dạy sao cho trâu biết nghe lời, chịu tiếp xúc với người lạ cũng không hề đơn giản chút nào, đặc biệt là những vị khách cưỡi trâu thường có mùi nước hoa, trâu dễ hoảng sợ bỏ chạy", ông Hò tiết lộ và cho biết ông từng phải bôi nước hoa ra tay cho trâu ngửi, khi quen rồi mới dám đưa trâu cho người lạ cưỡi.
Quản trâu Lê Viết Nhiên (50 tuổi) ở Hội An nói nhờ tour du lịch mới này mà ông giữ được nghề nhà nông, giữ đất để trồng lúa. Bởi không ít người quanh năm nuôi trâu chỉ để lấy sức kéo cho hai vụ lúa đã chán nản bán trâu cho lò mổ, đất thì bán cho các dự án resort.
Ngày ngày, ông thức giấc từ 5 giờ sáng cho đàn trâu hơn chục con ăn, rồi theo lịch hẹn của công ty lữ hành từ trước để đánh xe trâu đến chở khách Tây thong dong qua những cánh đồng phố Hội. Thời gian rảnh rỗi, ông lại dạy những con trâu mới lớn.
Ông Nhiên hướng dẫn du khách cách cho trâu ăn. Ảnh: Nguyễn Đông |
Nhờ chăm sóc tốt, việc chở khách không quá nặng nhọc với trâu, nên con trâu cái ông đang đưa đi làm du lịch tỏ ra rất sung sức. "Cảm giác khi thấy nhiều trẻ em người nước ngoài thích thú nô đùa với trâu thật vui. Và chính tôi như trở về tuổi thơ với những buổi cưỡi trâu ra đồng, thổi sáo, tắm sông", ông Nhiên nói.
Được ngồi lắc lư trên lưng trâu, khách Tây ai cũng thích thú, và ông Hò, ông Nhiên cũng có tiền bỏ túi. Bình quân mỗi tháng, ông nhận được hơn 20 tour, tiền công mỗi tour từ 150 đến 200 nghìn đồng. "Như thế là nhàn hạ hơn nhiều so với công việc quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời rồi", ông Nhiên nói và cho biết trâu làm ra tiền nên thường xuyên được tẩm bổ lấy sức.
Ông Trần Văn Khoa, Giám đốc công ty lữ hành Khoa Trần Hoi An Eco-tour, cho biết ước muốn quảng bá đến du khách về cách làm lúa nước ở Việt Nam, giúp những người nông dân giữ được nghề, cũng như tạo sinh kế cho họ đã giúp ông đưa ra ý tưởng mở tour du lịch xe trâu, kết hợp với việc cho khách Tây cưỡi và đi cày cùng trâu.
Tạo cho du khách cười tươi khi làm bạn với trâu cũng chính là niềm vui của những người quản trâu phố Hội. Ảnh: Nguyễn Đông |
"Nhưng việc chọn được con trâu ngoan, thuần tính, người chủ hiền lành, chịu khó không hề đơn giản. Tìm được trâu thì cũng phải thử nó bằng việc kéo thử, cho ngửi mùi tay xem phản ứng như thế nào mới tuyển được. Không để chuyện trâu không gặp mùi lạ bỏ chạy, làm khách té ngã", ông Khoa nói.
Ông Khoa cũng cho biết, ngoài việc "đào tạo" thêm trâu để có thể đáp ứng cho tour du lịch vốn đang hút khách ở Hội An, bản thân ông cũng thường xuyên chi thêm tiền công để người nông dân chăm sóc con vật này thường xuyên hơn, chứ không để tình trạng lạm dụng sức khỏe của con vật này.
Nguyễn Đông
Nguồn: VnExpress