Người Hàn giằng co trong xã hội hợp chủng
- 8/22/2013 8:30:53 AM
Kể từ khi nổi tiếng nhờ biểu diễn trong Gangnam Style, chú bé Hwang Min-woo trở thành mục tiêu của những lời chế giễu. Gia đình Hwang, không thể chấp nhận tình trạng ấy, đã đâm đơn kiện. - VnExpress
Những người trên mạng “ức hiếp” Hwang Min-woo, không chỉ bởi ghen tị với người thành công, mà còn vì cậu có cha là người Hàn Quốc và mẹ là người Việt Nam. Lời lẽ đầy ác ý của những kẻ phân biệt chủng tộc nhằm vào Hwang cho thấy một thực trạng của xã hội Hàn Quốc, nước đang nhanh chóng trở thành một quốc gia đa văn hóa và có sự xuất hiện của các thành viên đa chủng tộc.
Số các vụ việc quấy nhiễu nhắm tới những người có xuất thân khác như Hwang Min-woo tăng lên đến mức các nhà quan sát bắt đầu nhìn nhận nó trở thành một vấn đề xã hội nghiêm trọng.
Hình ảnh Hwang Min-woo trong Gangnam Style. |
Theo bộ Tư pháp Hàn Quốc, khoảng hơn 900.000 cư dân ngoại quốc từ 184 nước đã được coi là cư dân (lâu dài) trong năm 2012. Con số tăng lên hơn 1,4 triệu người khi các du khách ngắn hạn được tính cộng vào. Những cư dân lâu dài chiếm khoảng 1,8% tổng dân số 50 triệu người của Hàn Quốc. Theo một điều tra do viện Sogang về Nghiên cứu Chính trị, gần 83%, người được hỏi cho biết họ nghĩ Hàn Quốc đã trở thành một xã hội đa văn hóa.
Thế nhưng, ý thức về sự thuần chủng của người Hàn còn rất rõ rệt, và khái niệm về đa văn hóa cũng chưa đạt tới giai đoạn mà mọi người có thể thảo luận cách hội nhập các nhóm văn hóa khác nhau vào một xã hội hòa thuận và hưởng lợi từ sự đa dạng. Theo nghiên cứu được thực hiện bởi bộ Bình đẳng giới và Gia đình, gần một nửa số gia đình đa chủng tộc ở Hàn Quốc cho biết họ bị phân biệt đối xử trong năm 2012, tăng lên so với năm 2009.
“Người Hàn Quốc thường có thái độ tiêu cực với người có xuất thân không thuần chủng. Khi số lượng người nhập cư từ các nước đang phát triển tăng, người Hàn có khuynh hướng nghĩ rằng những người nước ngoài này là những kẻ nghèo hèn tới Hàn để kiếm sống”, Kim Nho-young, một viên chức tại trung tâm Hỗ trợ gia đình đa văn hóa Yangpyeong nói với The Diplomat.
Phân biệt đối xử không phải là vấn đề duy nhất thách thức những người có xuất thân đa văn hóa. Họ còn có những khó khăn khác như là về giao tiếp, những khác biệt về văn hóa, sự cô độc, theo nghiên cứu của Bộ Gia đình.
Trong những khó khăn này, ngôn ngữ là trở ngại ban đầu lớn nhất với những người lần đầu tiên đặt chân tới Hàn.
Sun Ke Hui, một người nội trợ gốc Trung Quốc, 36 tuổi, đến Hàn năm 2008 và hiện nay đã nói sõi tiếng Hàn, nhớ lại khi lần đầu tới đất nước xa lạ. “Khi tôi không thể bày tỏ cảm xúc và quan điểm của mình, tôi không chỉ nản chí, mà nó còn gây ra rất nhiều hiểu lầm”.
Khó khăn về ngôn ngữ cũng gây rắc rối trong quan hệ với người chồng Hàn Quốc. Đôi vợ chồng không thể giải quyết những rắc rối giữa họ vì Hui không thể hiện được bản thân bằng tiếng Hàn.
Hui nhớ lại, “Có rất nhiều lần tôi không thể hiểu cách cư xử của chồng mình, hoặc của mẹ chồng. Giờ thì tôi nhận ra đó là vấn đề văn hóa, và tôi đã hiểu được. Tôi có được điều đó khi tôi học tiếng Hàn siêng năng”.
Để giúp những người như cô Hui có được kỹ năng tiếng Hàn tốt hơn và hiểu văn hóa Hàn Quốc, giới chức đã tổ chức các trung tâm hỗ trợ các gia đình có người ngoại quốc trên khắp đất nước (Multicultural Family Support Centers). Số lượng trung tâm này đã tăng từ 37 năm 2007 lên 200 năm 2012, để bắt nhịp với sự tăng lên số lượng các gia đình đa chủng tộc.
Xã hội Hàn Quốc vẫn tiếp tục phải đối diện với các vấn đề xã hội nảy sinh từ các cuộc hôn nhân giữa người Hàn với những người nước ngoài. Theo nghiên cứu của viện Sức khỏe và các vấn đề xã hội Hàn Quốc (KIHASA), số các gia đình đa chủng tộc ở Hàn là khoảng 270.000 hồi năm 2009. Con số dự kiến tăng lênấp bốn lần vào cuối thập niên này.
Hàn Quốc đã trở thành một địa chỉ hấp dẫn với nhiều người từ những nước kém phát triển hơn, những người muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn. Sức hấp dẫn đó đưa đến thực tế là nhiều người mong chuyển tới Hàn sống bằng cách kết hôn với người Hàn.
Xu hướng đó cũng “hấp dẫn” các nhà môi giới, những người dàn xếp các cuộc hôn nhân giữa người Hàn và người nước ngoài. Sự cạnh tranh giữa các nhà môi giới khá gay gắt, và số lượng những kẻ bất lương nhúng tay vào cũng tăng lên. Ví dụ, để thu hút nhiều khách hàng hơn, các nhà môi giới đã tạo nên các hồ sơ giả về những người chồng tiềm năng. Nhiều người tới Hàn Quốc để kết hôn mà không hề gặp mặt hôn phu trước đó.
Một nạn nhân 23 tuổi tên là Atchraphan đến từ Thái Lan. “Tôi được hứa hẹn là có cuộc sống tốt hơn ở Hàn Quốc như thấy trên các bộ phim Hàn”, cô kể với The Diplomat . “Nhưng khi tôi đến, tôi nhận ra là người môi giới đã gạt mình. Chồng tôi hoàn toàn khác với người mà tôi nghe nói đến, khác hẳn trên ảnh”.
Hậu quả tất yếu của sự lừa gạt này nhiều cặp đôi kết thúc bằng ly dị. Theo điều tra của Bộ Gia đình , một phần ba số cặp vợ chồng khác chủng tộc đã lý hôn vì người vợ bỏ trốn. Các nguyên nhân khác như mâu thuẫn tính cách chiếm 31%, kinh tế và xung đột với nhà chồng nằm trong số các nguyên nhân phổ biến khác.
Thậm chí giữa những người vẫn duy trì hôn nhân cũng có nhiều trục trặc. Khoảng 70% các bà vợ nhập cư nói họ bị bạo hành, về thể xác, tinh thần hoặc tình dục, hay bị kiểm soát vô lý trong đời sống hàng ngày.
Để giúp các phụ nữ nước ngoài đối phó các vấn đề trong hôn nhân, Bộ Gia đình đã mở ra đường dây nóng hướng dẫn 24h. Chính phủ cũng cung cấp những nơi “ẩn náu” và các chương trình vận động “hòa nhập trở lại” với những phụ nữ bị ngược đãi trong hôn nhân.
“Đây là kỷ nguyên quốc tế. Ý tưởng về một quốc gia có một chủng tộc đơn thuần đã lùi xa. Người Hàn nên hiểu điều này và giữ trong đầu để đạt được sự hài hòa trong xã hội”, Lee Ra, chủ tịch Hiệp hội phụ nữ đa văn hóa nói.
Lee kêu gọi người Hàn thể hiện sự thông cảm nhiều hơn với những người đa chủng tộc, cũng như nỗ lực dạy họ học tiếng và văn hóa Hàn Quốc.
"Đa văn hóa giờ đây trở thành hiện tượng không thể tránh khỏi ở Hàn Quốc”, bà nói thêm.
Khánh Lynh (theo The Diplomat)
Nguồn: VnExpress