Dừng may đồng phục 'giá một tạ thóc'

Sở GD&ĐT Hà Nội vừa chỉ đạo dừng may đồng phục "giá 1 tạ thóc" ở Trường tiểu học Văn Bình vì không phù hợp với kinh tế người dân, đồng thời việc đăng ký theo nhu cầu sẽ làm tăng phân hóa giàu nghèo trong trường học. - VnExpress

Trao đổi với VnExpress.net, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống cho biết, sau khi nhận được thông tin về việc may đồng phục ở Trường tiểu học Văn Bình (huyện Thường Tín), Sở đã yêu cầu phòng Giáo dục báo cáo vụ việc. Quan điểm của Sở là không làm những việc bất bình thường.

Ông Thống cho hay, theo Thông tư 26 của Bộ GD&ĐT, đồng phục là trang phục được sử dụng cho toàn bộ học sinh nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, danh dự, lòng tự hào với truyền thống của nhà trường và thể hiện sự bình đẳng giữa các học sinh, sinh viên, góp phần xây dựng môi trường học tập, nếp sống văn hoá. 

dong-phuc2-1376913980-1376992338.gif
Bộ đồng phục giá 1 tạ thóc của trường tiểu học Văn Bình.

Đồng phục bao gồm quần đồng màu, áo đồng màu (áo sơ mi, áo khoác hoặc áo dài), phù hiệu, giày hoặc dép - bảo đảm tính thẩm mỹ, phù hợp với điều kiện thời tiết, thuận tiện cho việc học tập, sinh hoạt ở trường và tham gia các hoạt động khác. Bên cạnh đó phải đảm bảo phải tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của từng địa phương.

"Nếu như đồng phục mà cho đăng ký, ai thích may áo, may quần đều được thì không còn gọi là đồng phục nữa. Điều này cũng làm tăng thêm sự phân biệt giàu nghèo, trái với quy định đảm bảo tính bình đẳng và tiết kiệm của Bộ", ông Thống nói. 

Phó giám đốc Sở khẳng định, cho học sinh mặc đồng phục là cần thiết vì sẽ giúp giáo dục truyền thống cho các em, khi ra đường với phù hiệu trên tay thì không nói tục, chửi bậy, đánh nhau. Tuy nhiên, trường Tiểu học Văn Bình quyết định may đồng phục mới mà chưa nhận được sự đồng thuận của phụ huynh toàn trường là sai, chưa tính giá thành của sản phẩm không phù hợp với một địa phương thuần nông, còn nghèo như huyện Thường Tín.

"Ngành giáo dục đang chăm lo 3 đủ cho học sinh, đó là đủ ăn, đủ mặc, đủ sách. Ở thành phố, phụ huynh đa số là công chức thì có thể lo cho con mặc đẹp, còn ở nông thôn, cuộc sống người dân còn khó khăn thì không nên để xảy ra những chuyện không đáng có", ông Thống nói và cho hay, Sở đã chỉ đạo Phòng giáo dục dừng ngay việc may đồng phục giá cao

Trước đó, nhiều người dân ba thôn Bình Vọng, Văn Giáp, Văn Hội (huyện Thường Tín, Hà Nội) bức xúc khi hội phụ huynh gồm 3 người, đại diện cho ba thôn cùng với nhà trường quyết định thay đồng phục cho học sinh. Mức giá cho bộ quần áo mùa hè (váy áo với nữ) và áo vest cho mùa đông được nâng lên gần gấp đôi so với năm trước: lớp 1-2 giá 629.000 đồng, lớp 3 giá 661.000 đồng và lớp 4-5 giá 693.000 đồng. Nhiều người đã đến trường gặp hiệu trưởng để hỏi rõ nhưng không gặp. Vụ việc được thông báo cho Phòng Giáo dục huyện Thường Tín và cuộc họp phụ huynh đột xuất được triệu tập.

Hoàng Thùy

Nguồn: VnExpress