Ai Cập chia hai trong cuộc chiến thế hệ
- 8/20/2013 8:48:02 AM
Xung đột ở Ai Cập những ngày qua không chỉ là biểu hiện của một cuộc chiến quyền lực, mà còn là dấu hiệu cho thấy những thay đổi trong hệ tư tưởng của người dân ở một đất nước đã bị đè nén từ quá lâu. - VnExpress
Người Ai Cập biểu tình ở quảng trường Tahrir. Ảnh: AP |
Mohamed Radwan, một nhiếp ảnh gia kiêm nhà làm phim Ai Cập, chưa từng nghĩ sẽ có lúc, anh phải đối diện với tất cả các thành viên của gia đình, để nói về niềm tin và lý tưởng của bản thân đối với dân tộc này, ngay trong bữa tối đầu tiên của tháng ăn chay Ramadan.
Lý giải cho sự kiện ấy, Radwan nói, là bởi chính anh đã giấu gia đình tham gia lễ biểu tình ngồi ở Bộ Văn hóa nước này, nhằm chứng minh cho những người Hồi giáo thủ cựu rằng, âm nhạc, điện ảnh và nghệ thuật không phải là những thứ đầy tội lỗi, mà chính là một phần của bản sắc và dòng máu Ai Cập.
"Thế hệ tiếp theo có quyền được hưởng thụ một cuộc sống tốt đẹp với những điều kiện thuận lợi hơn so với chúng ta", anh giải thích với gia đình.
Mẹ của Radwan cũng ủng hộ tư tưởng này của con trai, nhưng theo một cách hoàn toàn khác. Bà tin rằng Hồi giáo chính là lựa chọn tốt nhất cho đất nước Ai Cập đương đại. Với bà, Anh em Hồi giáo giống như một lối rẽ hoàn hảo, và người phụ nữ này không thể tưởng tượng ra một con đường nào khác có thể tốt đẹp hơn.
Và bởi ông ruột của Radwan là người sáng lập của phong trào Hồi giáo cực đoan Salafi, trong khi nhiều người thân khác của anh là thành viên của trại Rabaa, nơi tập hợp những người ủng hộ tổng thống dân cử đầu tiên của Ai Cập, ông Mohamed Morsi, nên hành động của Radwan gần như không thể chấp nhận.
Thực tế, những xung đột trong gia đình Radwan đang lặp lại tại hầu hết các ngôi nhà trên khắp đất nước Ai Cập. Nó đại diện cho một cuộc đối đầu mà một bên là những người theo chủ nghĩa thế tục, trong khi bên còn lại là các tín đồ Hồi giáo sùng đạo, xung quanh câu chuyện về tương lai và vận mệnh của dân tộc Ai Cập. Nó cũng là một phiên bản thu nhỏ của cuộc tranh chấp đang diễn ra giữa giới chức quân sự và những người biểu tình ủng hộ tổng thống bị lật đổ, Morsi, cùng tổ chức Anh em Hồi giáo.
Nhưng chỉ tới khi lực lượng quân đội nước này, cùng xe tăng, vũ khí và súng hơi cay, tiến vào khu trại của những người biểu tình, khiến hàng trăm dân thường thiệt mạng hôm thứ 4 tuần trước, thì người ta mới thực sự thức tỉnh và nhận ra mối đe dọa cận kề đối với đế chế của các Pharaoh.
Không chỉ là một tranh chấp về hệ thống chính trị, đây còn là một cuộc chiến nhằm tìm câu hỏi cho tương lai của đất nước Ai Cập. "Họ (tổ chức Anh em Hồi giáo) đang cố gắng thay đổi bản sắc của chúng tôi” là câu nói được nghe thấy ở mọi nơi, từ mọi tầng lớp của xã hội, từ các tài xế taxi, giới nghệ sĩ cho tới những chính trị gia lão làng. Như nhà khoa học chính trị Riham Bahi từng nói, sự kiểm soát của Anh em Hồi giáo khiến họ cảm thấy như đang có "một người ngoài hành tinh hiện diện ở đất nước này".
Về phía các tín đồ Hồi giáo cực đoan, việc của họ là mặc sức bài Thiên chúa, nhất là sau vụ đàn áp ở trại biểu tình Rabaa, Cairo, hôm 14/8, bởi họ tin rằng, những người Thiên chúa giáo chính là kẻ đã đứng sau mọi hành động của lực lượng quân đội. Họ lao vào tấn công các nhà thờ, công trình của người theo đạo Thiên chúa, và coi đây là một hành động đáp trả của tổ chức Anh em Hồi giáo.
Cũng trong thời điểm đó, những người ủng hộ tổ chức Anh em Hồi giáo, như mẹ của Radwan, cho biết họ cảm thấy như đã bị nền dân chủ phản bội. "Mẹ làm gì có tiếng nói?", bà bất bình nói với con trai khi anh khẳng định tổng thống Morsi sẽ không bao giờ có lại quyền lực.
Một người ủng hộ cựu tổng thống Morsi trong cuộc đụng độ ở thủ đô Cairo hôm 14/8. Ảnh: AP |
Và như để tiếp thêm dầu vào lửa, truyền thông Ai Cập vẫn làm rất tốt công việc của họ, là khiến những bất đồng trên đất nước này ngày một gia tăng.
Hầu hết các kênh truyền hình của nhà nước hoặc mang tính phi Hồi giáo đều lao vào phỉ báng tổ chức Anh em Hồi giáo và bất cứ ai ủng hộ họ, trong khi các chính trị gia tự do như Amr Hamzawy và Mohamed ElBaradei, những người từng kêu gọi kiềm chế trong đàn áp ở Rabaa và Al-Nada hồi tuần trước, lại bị giới truyền thông bêu riếu.
Cuộc chiến truyền thông này cũng diễn ra ở những trại biểu tình của Anh em Hồi giáo, với những biểu ngữ như "Khôi phục chính quyền Morsi. Lật đổ bọn Thiên chúa giáo" được viết bằng tiếng Arab. Thông điệp này, một cách gián tiếp, giống như lời cổ vũ cho phong trào đấu tranh có vũ trang, mà nạn nhân lớn nhất chính là dân thường Ai Cập.
Trong một động thái khôn ngoan, nhằm lôi kéo sự ủng hộ về phía chính phủ lâm thời, tướng Abdul-Fattah el-Sisi, người đứng đầu lực lượng quân đội Ai Cập, đã kêu gọi người dân, thay vì giấu mặt, hãy bước xuống đường để tham gia cuộc chiến chống lại “chủ nghĩa khủng bố tiềm năng”, ám chỉ tổ chức Anh em Hồi giáo. Hàng trăm nghìn dân thường, trong đó có cả những người theo chủ nghĩa tự do, đã đáp lại lời kêu gọi của ông, tiến vào quảng trường Tahrir, Cairo, tuyên bố chống Morsi và ủng hộ quân đội.
Về phía Radwan, sau khi chứng tỏ niềm tin của bản thân trước những bậc cha chú trong đại gia đình vốn theo Hồi giáo, anh đã nhận được sự ủng hộ công khai của cậu em họ. Thực tế, hầu hết các thành viên trẻ tuổi trong gia đình đều đồng quan điểm với Radwan, nhưng không ai dám đứng ra đối đầu những người lớn tuổi bằng việc thú nhận điều này.
Một sự chia rẽ tương tự cũng đang xuất hiện bên trong tổ chức Anh em Hồi giáo. Nỗ lực đổi mới và mở cửa, dù nhận được sự ủng hộ của các thành viên dưới 40 tuổi, thì vẫn bị các bậc lão thành ra sức ngăn cản. Và tính tới thời điểm này, những người lớn tuổi hơn vẫn giành ưu thế.
Và chính bởi tư tưởng bảo thủ ấy, mà có lẽ phải đợi tới khi những thế hệ tiếp theo nắm được quyền kiểm soát và quản lý đất nước Ai Cập, thì vết rạn nứt giữa các tín đồ Hồi giáo và những người theo thuyết vô thần có thể được xóa nhòa.
Nhưng cho tới lúc đó, các bậc bô lão bảo thủ vẫn là những người nắm quyền kiểm soát, giống như lời học giả Hazem Azmy từng nói, “con người thường chọn sự yên ổn thay vì tự do”.
Quỳnh Hoa (Theo CNN)
Nguồn: VnExpress