Ký ức Tiểu đoàn 307 hơn 60 năm chưa phai nhòa

Trong ký ức của cựu binh Nguyễn Kế Nghiệp là hình ảnh đồng đội Tạ Văn Bang bị địch bắn dập cánh tay trái treo lủng lẳng. Bang rút mã tấu tự chặt đứt cánh tay bị thương rồi tiếp tục một tay ôm tiểu liên xông lên phía trước... - VnExpress

Ở tuổi 82, đạo diễn Nguyễn Kế Nghiệp, cựu binh sĩ Tiểu đoàn huyền thoại của miền Nam mang tên 307, trí nhớ còn rất minh mẫn khi kể về những năm tháng hào hùng kháng chiến. Giọng ông hào sảng khi cất lên bài hát chất chứa niềm tự hào của một thời hoa đỏ "Ai đã từng đi qua sông Cửu Long giang, Cửu Long giang sông trào nước xoáy. Ai đã từng nghe tiếng Tiểu đoàn, tiếng Tiểu đoàn ba trăm lẻ bảy". Ông bảo, bài hát dấy lên nỗi nhớ da diết về một thời kháng chiến oanh liệt, nhiều niềm vui và cũng đầy mất mát đã qua.

Nghe bài hát Tiểu đoàn 307

IMG-3675-JPG-1376882579_500x0.jpg
Đạo diện Nguyễn Kế Nghiệp (thứ 3 từ trái sang) cùng các đồng đội ở Tiểu đoàn 307 xưa. Ảnh: Thi Trân.

Ngày ấy, khi mới 15 tuổi, cậu bé Nghiệp được bầu làm Trưởng đội Thiếu niên Tiền phong xã Tân Quới, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long. Năm 1946, cậu bé có nhiệm vụ rải truyền đơn khắp làng và đồn bót giặc Pháp. Có lần, Nghiệp nhận lựu đạn ném vào đám địch đang đi tuần tra. Bị bại lộ nhưng nhờ nhanh trí Nghiệp đã trốn thoát được khi bị vây bắt. Sau đó các chiến sĩ cách mạng đã đưa cậu thoát ly vào Khu 9 và sau đó về Tiểu đoàn 307.

Tiểu đoàn 307 thành lập ngày 5/7/1948, là đơn vị chủ lực của chiến khu 8 bao gồm các tỉnh Tân An, Mỹ Tho, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp. "Chiến trường thời đó cần có một tiểu đoàn đủ mạnh, cân sức để tiêu diệt trọn một tiểu đoàn địch. Sự ra đời của tiểu đoàn 307 được coi là quả đấm mạnh của quân đội ta lúc bấy giờ", ông Nghiệp nhớ lại.

Vừa ra quân trận đầu tiên ở Mộc Hóa (Long An), Tiểu đoàn đã giành chiến công hiển hách, tiêu diệt căn cứ của địch và bắt sống bộ sậu chỉ huy đồn Mộc Hóa. Thừa thắng xông lên, Tiểu đoàn thọc sâu vào trận địa Đồng Tháp Mười, bắt sống đồn trưởng Louis Bertrand.

Sau trận ấy, Nghiệp được điều về làm Trung đội phó trung đội B, sau đó là trung đội C, thuộc đại đội 913, Tiểu đoàn 307. "Đó là một vinh dự bất ngờ trong đời lính của tôi. Ở tuổi 21, chỉ huy một trung đội là niềm tự hào như mơ vậy", người cựu binh hào hứng nói.

Tham gia gia trận Cầu Kè năm 1949, một người đồng đội của Nghiệp bắn súng máy đang tấn công địch thì trúng đạn bị thương, máu me đầm đìa. Một chiến sĩ khác đang xông lên thì bị địch bắn trả dữ dội, thân xác anh tan ra từng mảnh hòa với tro đất. Chứng kiến cảnh ấy, Nghiệp căm hận lao lên, xốc cây súng FM nã đạn liên thanh vào đội quân địch đang xông đến cùng với xe quân sự. Cũng nhờ loạt đạn đó, toán xung kích của đồng đội Nghiệp mới có cơ hội tràn lên dùng lựu đạn, mã tấu hạ gục tiểu đoàn lính lê dương.

IMG-3688-JPG-1376882580_500x0.jpg
Những cựu binh chiến trường xưa ôm chầm lấy nhau trong buổi hội ngộ kỷ niệm 65 chiến thắng Mộc Hóa Long An, sáng 18/8. Ảnh: Thi Trân.

Một lần khác, đội của Nghiệp nhận nhiệm vụ tấn công cứ điểm Bảy Ngàn trên kênh Xáng Xà No (Châu Thành, Cần Thơ). Đây được coi như “lâu đài” của chúa đất thực dân. Bộ tư lệnh Phân liên khu miền Tây giao cho Tiểu đoàn 307 phải xóa sổ "cái ung nhọt" này.

Nửa đêm 16/8/1952, trận chiến bắt đầu, Nghiệp giữ nhiệm vụ Trưởng đội xung kích 2. Rờ-mi, đồn phó, cầm khẩu đại liên bắn trả dữ dội. Nghiệp cùng 4 chiến sĩ nhanh chóng khống chế và bắt sống ông ta. Cô vợ của người bại trận lạy lục xin tha mạng. Về sau, mọi người mới biết vợ Rờ-mi đang có thai. Ngày cô ta đẻ, ai cũng hân hoan khi đón một đứa trẻ Tây kháu khỉnh. Trong buổi trao trả tù binh, Rờ-mi bắt chặt tay Nghiệp và nói trong nghẹn ngào: “Nếu không có tấm lòng nhân đạo của các anh thì chúng tôi đã khó sống. Tôi đã nhận ra bản chất của cuộc chiến mà nước Pháp đã gây nên. Tôi sẽ phản đối nó”.

"Đời lính gian nan, khổ cực không sợ, nhưng sợ nhất là cái đói, nó có thể đánh quỵ đoàn quân đang hừng hực khí thế chiến đấu". Ông Nghiệp kể, có đêm chiếc bụng đói meo đang "gào thét" thì nhận nhiệm vụ tấn công địch khẩn cấp. Đôi chân run rẩy, tay cầm súng còn không chắc nhưng vì nhớ lại lời thề "người chiến sĩ tiếc chi máu rơi" nên mọi người bảo nhau đừng sờn lòng rồi đồng loạt nổ súng xung phong. 

Đạo diễn Nghiệp nhớ lại, có một lần quân của ta đang tấn công thì bị chặn lại bởi một con rạch sâu khoảng 8 mét nên không thể tiến công được. "Tôi bèn nảy ra sáng kiến, cho 2 chiến sĩ cài 4 trái lựu đạn vào một gốc dừa rồi nối dây ra xa, nằm xuống rồi giật. Lựu đạn nổ làm cho cây dừa to đùng bị trốc gốc và ngả ầm sang bên kia con rạch, trở thành chiếc cầu cho quân ta tràn qua. Sau trận đó, đơn vị tôi được cấp trên đánh giá là có sáng kiến trên chiến trường".

Rồi lần khác, trận Chông Nô. Đây là một đồn lớn của quân Pháp chỉ huy quân lính người Khmer trấn thủ để đàn áp cách mạng vùng này. Khi quân ta xung phong tấn công vào đây mới biết đồn này không hề có cửa ra vào, nó được bịt kín cả 4 góc. Các chiến sĩ loay hoay mãi mới tìm thấy cửa ra vào đồn, giống như một cái hang, nhưng cũng không sao vào được bên trong. Cuối cùng Nghiệp cùng đồng đội nghĩ ra cách độc đáo là dùng "hỏa công".

"Chúng tôi ôm tất cả rơm, rạ, lá dừa quanh đồn đem đến cửa hang rồi châm lửa đốt. Toàn bộ khói lùa vào trong đồn khiến quân địch lẫn vợ con của chúng ngạt thở kêu la thảm thiết". Tuy nhiên khi nghe thấy tiếng phụ nữ và trẻ con gào khóc, các chiến sĩ cách mạng thấy lòng mình chùng xuống.  Những người lính thốt lên hốt hoảng: "Chao ôi, chúng ta giết cả phụ nữ lẫn con cái của họ rồi"; "Làm sao để cứu họ bây giờ"...

Cận kề cái chết, vợ của các lính Pháp bế những đứa con của họ lên lầu 1 rồi ném xuống đất. Động lòng trắc ẩn đối với những đứa trẻ tội nghiệp, các chiến sĩ của ta liền chạy vào nhà dân lôi những chiếc đệm phơi lúa ra. Thế là mỗi người một góc căng tấm đệm ra hứng lấy những đứa trẻ. Một số trẻ bị ném chệch khỏi đệm thì không thể cứu được...

Đó là trận chiến hy hữu, Tiểu đoàn 307 lấy được đồn có đến 50 lính địch mà không cần phải nổ một tiếng súng nào. Chỉ cần một ít rơm rạ, cỏ khô, lá dừa và 5 chiếc đệm cứu được 6-7 đứa trẻ. Thế là toàn bộ lính kéo nhau ra hàng. Cứ thế, tiểu đoàn lịch sử lại tiếp tục lên đường kháng chiến, hết bơi xuồng len lỏi theo muôn trùng con kênh con rạch, rồi lại lên bộ vượt bao cánh đồng trong đêm vắng lạnh run người...

Ông Nghiệp đã nhiều lần chứng kiến sự hy sinh, mất mát của nhiều đồng đội, đồng chí, có người bị trúng đạn giặc, phải tự chặt đứt bàn tay của mình cho khỏi vướng víu để tiếp tục xông lên, có người phải tan xương nát thịt trên chiến trường... Cái chết của phóng viên chiến trường phim Dương Trung Nghĩa để lại trong thâm tâm đạo diễn Nguyễn Kế Nghiệp nỗi ám ảnh bi thương nhất.

Dương Trung Nghĩa là một thanh niên trí thức, từ nhỏ sống trong vinh hoa phú quý nhưng vẫn xung phong lăn xả vào chiến trường bom rơi lửa đạn. Anh luôn xông pha ghi lại những đoạn phim lịch sử về những cuộc chiến đấu hiển hách của Tiểu đoàn 307.

Lần đấy, "Khi quân ta hô 'Xung phong', Nghĩa cùng anh em chạy vọt lên trước để quay cảnh chiến đấu. Tôi chạy sau, bỗng thấy Nghĩa đổ gục xuống. Chiếc máy quay phim rơi xuống ruộng. Tôi quên tất cả, nhào tới ôm Nghĩa. Môi cậu ấy mấp máy như muốn nói điều gì. Tôi áp tai lắng nghe nhưng đầu cậu ấy đã gục xuống", kể tới đây, giọng ông Nghiệp lạc đi.

Tất cả những gì chứng kiến được trong chiến tranh, sau này đạo diễn Nghiệp đã phục dựng lại trong hơn 40 bộ phim tài liệu lịch sử quý giá. Đã 65 năm trôi qua kể từ ngày đầu tiên ra quân đánh thắng trận Mộc Hóa vang dội, các cựu chiến sĩ Tiểu đoàn 307 mới có dịp gặp lại nhau để cùng ôn lại ký ức hào hùng của một thời "trận Tháp Mười, trận Mộc Hóa, vang tiếng đồn với trận La Bang".

Hơn 100 cựu binh hiện nay, người lớn tuổi nhất đã trên 90, người ít tuổi nhất cùng gần 80. Những người đồng chí, đồng đội trên chiến trường xưa ôm lấy nhau mừng mừng tủi tủi, cùng nhau cất lên khúc ca một thời bi tráng "Ai đã từng đi qua sông Cửu Long giang... Ai đã từng nghe tiếng tiểu đoàn, tiếng tiểu đoàn ba trăm lẻ bảy. Tiếng tiểu đoàn, bao nhiêu quân Pháp run rẩy sợ hãi...".

Thi Trân

Nguồn: VnExpress