Tên lửa liên lục địa lớn nhất của Mỹ

LGM-118A Peacekeeper (Người gìn giữ hòa bình) là tên lửa đạn đạo liên lục địa chiến lược thế hệ mới nhất và lớn nhất của Mỹ, với công nghệ ưu thế hơn vũ khí tương tự của Liên Xô về khả năng dẫn đường, tự động hóa và độ chính xác cao. - VnExpress

[Caption]
ICBM LGM-118A Peacekeeper. 

Khi nhắc tới tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), ngoài Liên Xô, không thể không nhắc tới Mỹ - quốc gia đi tiên phong trong công nghệ vũ khí hạt nhân và tên lửa của thế giới. Trong Chiến tranh Lạnh, cả Liên Xô và Mỹ đã đẩy công nghệ phát triển ICBM lên tầm cao mới với việc chạy đua công nghệ dẫn bắn tên lửa, giảm sai số trượt mục tiêu (CEP), đầu đạn hạt nhân tự dẫn…. 

Sự khác biệt chính của ICBM Mỹ so với của Liên Xô là việc áp dụng rộng rãi công nghệ tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn có độ tin cậy, thời gian phản ứng cao hơn và các phương án tối ưu khả năng phòng vệ trận địa bệ phóng cố định trước những đợt tất công phủ đầu trong chiến tranh hạt nhân toàn diện.

Đáng chú ý trong số đó là ICBM thế hệ thứ 3 và cũng là mới nhất của Mỹ mang tên LGM-118A Peacekeeper (Người gìn giữ hòa bình), với những công nghệ ưu thế hơn vũ khí của Liên Xô về khả năng dẫn đường, tự động hóa cao và CEP cực thấp trong “thế giới ICBM”.

Ra đời trong tranh cãi về học thuyết sử dụng ICBM mới

Sau khi hoàn tất việc triển khai các tổ hợp ICBM Minuteman III phiên bản giếng phóng, từ năm 1971, Bộ Tư lệnh không quân chiến lược Mỹ (SAC) bắt tay phát triển ICBM thế hệ 3 kế thừa và tối ưu các tính năng có trên Minuteman III về tầm bắn, số lượng đầu đạn mang theo và CEP. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm quân đội Mỹ xảy ra tranh cãi về việc ICBM Liên xô đã được nâng cấp độ chính xác và có khả năng vô hiệu hóa khả năng phản công bằng ICBM giếng phóng của Mỹ ngay từ các loạt tấn công phủ đầu. Bất chấp các tranh cãi, tới tháng 4/1972, SAC đã cho ra mắt chương trình ICBM thực nghiệm Missile-X làm nền tảng cho ICBM Peacekeeper sau này.

[Caption]
Các đầu đạn hạt nhân lắp trên LGM-118A Peacekeeper.

Vấn đề quan trọng nhất trong phát triển ICBM Peacekeeper là cân nhắc giữa việc tập trung phát triển phiên bản giếng phóng hay phiên bản di động triển khai trên tàu hỏa của dòng ICBM này. Cuối cùng, năm 1976, SAC đã quyết định phát triển song song 2 phiên bản của ICBM Peacekeeper.

Tới ngày 17/6/1983, vụ thử ICBM Peacekeeper nguyên mẫu đã được thực hiện từ căn cứ không quân Vandenberg, bang California. Đạn tên lửa thử nghiệm đã bay qua khoảng cách 6.704 km để giải phóng 6 đầu đạn giả xuống bãi thử Kwajalein trên Thái Bình Dương. Sau vụ thử trên, SAC còn thực hiện 12 vụ phóng thử ICBM Peacekeeper để đánh giá và hoàn thiện tầm hoạt động và khả năng mang vác của tên lửa.

Sau khi được phê duyệt đề án, ICBM Peacekeeper được chế tạo hàng loạt từ năm 1984 với kế hoạch thay thế hoàn toàn 50 ICBM Minuteman III thuộc biên chế Trung đoàn tên lửa chiến lược số 400 ở căn cứ không quân F.E. Warren. Sau căn cứ không quân F.E. Warren, 50 ICBM loại này còn được lên kế hoạch trang bị cho Trung Đoàn tên lửa chiến lược số 319 và việc triển khai các đơn vị ICBM mới dự kiến hoàn thành vào tháng 12/1989. Ở thời điểm được triển khai, giới chức quân sự Mỹ hy vọng, Peacekeeper sẽ phục vụ quân đội Mỹ trong 20 năm.

Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị gián đoạn vào năm 1986, khi Quốc hội Mỹ yêu cầu ICBM Peacekeeper cần có sự nâng cấp sâu về khả năng cơ động và sống sót trước các dòng ICBM hạng nặng của Liên Xô. Đáp ứng yêu cầu trên, trong thập kỷ 1980, SAC đã phát triển phiên bản ICBM Peacekeeper phóng từ tàu hỏa (có nét giống với dòng ICBM RT-23 Molodets của Liên Xô).

Cơ cấu của hệ thống này là mỗi đoàn tàu đặc biệt sẽ mang 2 bệ phóng ICBM Peacekeeper được ngụy trang để hoạt động trong hệ thống đường sắt của Mỹ. Điểm khác biệt của hệ thống này so với sản phẩm tương tự của Nga là chúng được triển khai sẵn tại một số nhà ga đặc biệt và chỉ hoat động khi nhận lệnh chiến đấu. Tổng cộng, Mỹ đã lên kế hoạch triển khai 25 đoàn tàu như vậy với 10 nhà ga đặc biệt vào thời điểm tháng 2/1987.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các vướng mắc về kỹ thuật và yêu cầu kỹ-chiến thuật không đạt yêu cầu đặt ra, SAC đã hủy chương trình ICBM Peacekeeper đặt trên tàu hỏa để tập trung triển khai và nâng cấp phiên bản giếng phóng.

Số phận của ICBM Peacekeeper sau đó được định đoạt bởi Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược 2 (START-2) khi Nga và Mỹ đạt được thỏa thuận coi LGM-30 Minuteman III là ICBM phiên bản giếng phóng duy nhất của Mỹ. Việc triệt thoái và tháo bỏ ICBM Peacekeeper chính thức hoàn thành ngày 19/9/2005. Các đầu đạn hạt nhân  W87/Mk-21 của ICBM Peacekeeper sau đó được hoán cải để phù hợp lắp trên ICBM Minuteman III.

Đối trọng của ICBM Sa-tăng

[Caption]
Cơ cấu giếng phóng của LGM-118A Peacekeeper.

Quá trình thiết kế được áp dụng các công nghệ tên lửa và dẫn đường tiên tiến nhất của Mỹ, Peacekeeper là dòng ICBM lớn nhất và tấn công mục tiêu chính xác nhất Mỹ từng chế tạo. ICBM loại này lớn hơn đáng kể so với Minuteman III với chiều dài tên lửa nguyên khối đạt 21,4 m và nặng hơn 100 tấn. Trọng lượng của Peacekeeper chỉ thua ICBM Sa-tăng của Nga, nhưng lại có tính ổn định và thời gian triển khai tốt hơn do sử dụng động cơ đẩy nhiên liệu rắn.

ICBM Peacekeeper có kết cấu 4 tầng phóng hỗn hợp (3 tầng đầu sử dụng nhiên liệu rắn, tầng thứ 4 sử dụng nhiên liệu lỏng) để tăng khả năng cơ động của các đầu đạn và hiệu chỉnh chúng tấn công chính xác mục tiêu. Tầm bắn của dòng ICBM này đạt 9.600 km và sử dụng hệ thống dẫn đường thuần quán tính.

Toàn bộ đạn tên lửa Peacekeeper được đặt trong khoang bảo quản kín giúp không bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh. Điểm đặc biệt là Peacekeeper lại sử dụng phương thức phóng thẳng đứng nguội khác biệt với phương thức truyền thống của ICBM Mỹ. Các chuyên gia nhận định phương thức này được áp dụng để Peacekeeper có thể sử dụng chung giếng phóng với ICBM Minuteman III, dù khối lượng nó lớn hơn gấp 3 lần Minuteman III.

Theo đúng thiết kế ban đầu, Peacekeeper có thể mang được 11 đầu đạn dạng MIRV W87/Mk-21 có khả năng tự hiệu chỉnh quỹ đạo với sức công phá tương đương 300 kilotone/đầu đạn (sau này do quy định của START, mỗi ICBM Peacekeeper chỉ được mang tối đa 10 đầu đạn).

Video: Nguyên tắc hoạt động đầu đạn MIRV của Mỹ

Các đầu đạn MIRV tấn công mục tiêu.
Các đầu đạn MIRV tấn công mục tiêu.

Công nghệ MIRV của Mỹ khác biệt so với Nga ở việc khối đầu đạn được xác định quỹ đạo trước khi tiến vào bầu khí quyển nhờ các động cơ hiệu chỉnh đặc biệt. Khi chia tách khỏi tên lửa đẩy, đầu đạn kích hoạt động cơ tự thân tạo mô-men xoáy để ổn định hướng bay. Trong khi đó, MIRV của Nga, bản thân là các tên lửa con độc lập sẽ tự hiệu chỉnh quỹ đạo trong quá trình xâm nhập khí quyển để giảm thiểu khả năng bị đánh chặn.

Ngoài ra, khả năng tự xác định quỹ đạo bay trước khi xâm nhập khí quyển của các đầu đạn trên ICBM Peacekeeper cũng giúp CEP của chúng thấp nhất trong các dòng ICBM từng được chế tạo vào khoảng 120m.

ICBM là gì?

Phân loại của tên lửa được tính bằng tầm bắn của chúng và cũng từ tầm bắn cũng xác định nó thuộc phân cấp chiến thuật hay chiến lược:

Tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM): Tầm bắn đạt dưới 1.000km và thường được xếp lại là tên lửa cấp chiến thuật

Tên lửa đạn đạo tầm trung (MRBM): Tầm bắn khoảng 1.000km và 3.500km

Tên lửa đạn đạo tầm xa (IRBM - LRBM): Tầm bắn đạt từ 3.500km tới 5.500km

Tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM): Tầm bắn lớn hơn 5.000km

Ngoài ra, còn phải kể tới tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) - được phóng từ tàu ngầm hạt nhân và có tầm bắn tương đương ICBM.

Với tầm bắn vượt trội, các loại ICBM có phổ nhiệm vụ rộng từ việc mang đầu đạn (thông thường và hạt nhân) tấn công lãnh thổ đối phương ở xa tới việc làm nhiệm vụ tên lửa đẩy mang vệ tinh lên quỹ đạo

Theo QĐND

Nguồn: VnExpress