Giám đốc dự án cầu cạn vành đai 3 (Hà Nội) Đỗ Quang Minh khẳng định với Vnexpress.net rằng, mặt cầu lún là hiện tượng biến dạng nhỏ ở lớp bê tông nhựa do các xe quá tải thường xuyên chạy qua. - VnExpress
-
Được đưa vào sử dụng chưa đầy một năm, cầu cạn vành đai 3 đã bị lún kéo dài, ông đánh giá thế nào về chất lượng công trình này?
- Dự án thực hiện bằng nguồn vốn ODA, do Công ty tư vấn Oriental Consultants giám sát thi công và thường xuyên được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước kiểm tra, nên đảm bảo tuân thủ đúng hồ sơ thiết kế cũng như quy trình, quy phạm thi công.
Những vết sụt lún kéo dài hơn 100 m, thuộc phần mặt đường bê tông nhựa tại gói thầu số 2 do nhà thầu Sumitomo Mitsui (Nhật Bản) thi công.
Qua tìm hiểu, có thể khẳng định vệt lún chỉ là hiện tượng biến dạng nhỏ ở lớp bê tông nhựa nhưng không ảnh hưởng tới các phương tiện lưu thông trên tuyến. Nguyên nhân là do các xe quá tải thường xuyên chạy qua đây.
|
Theo Ban quản lý dự án Thăng Long (chủ đầu tư dự án đường vành đai 3 trên cao) việc sụt lún là do xe quá tải thường xuyên chạy qua. Ảnh: Bá Đô |
- Ông nói, việc sụt lún là do xe quá tải thường xuyên chạy qua. Vậy, tại sao trên suốt 15 km cầu cạn chỉ một số đoạn bị trồi sụt nhựa mặt đường?
- Công trình lớn như cầu cạn vành đai 3 thì việc để chất lượng toàn bộ công trình đoạn nào cũng giống nhau là việc khó. Vì vậy sẽ có những sai số nhất định, có đoạn chỉ được điểm 9 nhưng chỗ khác thì lại được điểm 10, tuy nhiên tất cả đều phải nằm trong phạm vi thiết kế cho phép.
Hầu hết các điểm lên xuống nút giao đều sử dụng vật liệu polymer loại 3, loại vật liệu này đắt nhưng ưu việt hơn nhựa bê tông về khả năng chịu tải. Vì thế, các điểm lên xuống chưa có biểu hiện sụt lún, chỉ duy nhất điểm lên xuống đường Nguyễn Xiển không sử dụng công nghệ polymer này nên đã có biểu hiện lún như phản ánh.
-
Đoạn sụt lún nằm trong gói thầu từng vượt tiến độ tới 18 tháng. Ông nói gì về thực tế này?
- Về nguyên tắc, vượt tiến độ là rất tốt nhưng đồng nghĩa với đó là phải đảm bảo quy trình chất lượng công trình. Ban quản lý đã quán triệt với nhà thầu rằng, công trình phải sử dụng được, không thể làm xong rồi bỏ. Hơn nữa, nhà thầu cũng cam kết phải đảm bảo chất lượng tốt, đúng quy trình. Nếu việc vượt tiến độ mà không đảm bảo chất lượng, nhà thầu sẽ gánh chịu hậu quả và phải bỏ kinh phí khắc phục.
|
Đoạn cầu sụt lún này được cho là do xe quá tải chạy qua. Ảnh: Bá Đô. |
-
Không ít chuyên gia từng cảnh báo, mùa hè có lúc nhiệt độ mặt đường lên tới 70 độ C, dùng vật liệu bê tông nhựa sẽ xảy ra hiện tượng sụt lún. Vậy sao chủ đầu tư vẫn chọn vật liệu này?
- Đây là thực tế mà trước khi xây dựng tuyến đường này Ban quản lý đã phân vân và họp suốt 6 tháng cùng các chuyên gia về phương án chọn vật liệu, kết cấu xây dựng cầu. Nhiều phương án được đưa ra, trong đó có việc sử dụng bê tông, nhưng loại vật liệu này vừa đắt hơn lại chưa chắc đã tốt. Do chưa có nghiên cứu nào, cũng như chưa cây cầu nào ở Việt Nam sử dụng vật liệu này hiệu quả nên Ban quản lý đã lựa chọn việc phủ mặt cầu bằng lớp nhựa bê tông dày 7 cm.
- Vậy Ban quản lý Dự án Thăng Long đã có những biện pháp gì để khắc phục triệt để tình trạng sụt lún hiện nay?
- Cầu vẫn đang trong thời hạn bảo hành 2 năm, do vậy nhà thầu thi công
Sumitomo Mitsui có trách nhiệm sửa chữa, khắc phục. Hai tuần trước, công ty này đã khắc phục được hơn 10 mét và vẫn đang theo dõi để khắc phục.
Ngoài ra, Ban quản lý dự án cũng tính đến phương án cùng các cơ quan chức năng lập trạm cân để kiểm tra các xe vượt tải trọng, ngăn xe quá tải lên cầu, nhưng hiện chưa có kinh phí thực hiện. Việc lập trạm cân chỉ là một phần, cốt lõi vẫn là ý thức của người tham gia giao thông, vì hiện có biển báo tải trọng ở các đầu cầu nhưng các tài xế vẫn cố cho xe qua.
Nguồn: VnExpress