Thế giới lên án cuộc trấn áp đẫm máu ở Ai Cập
- 8/15/2013 2:04:03 PM
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gọi cuộc trấn áp đẫm máu của chính quyền Ai Cập đối với người biểu tình là "tồi tệ", trong khi nhiều nước khác trên thế giới bày tỏ sự giận dữ và quan ngại về tình trạng bạo lực leo thang ở Cairo. - VnExpress
Ít nhất 278 người đã thiệt mạng trong cuộc trấn áp người biểu tình của lực lượng an ninh Ai Cập. Ảnh: AP |
Ông John Kerry là quan chức nước ngoài đầu tiên lên án Ai Cập. Ban đầu, Mỹ không phản đối việc quân đội Ai Cập lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi và tránh dùng cụm từ "đảo chính" với sự kiện này. Theo luật pháp Mỹ, nếu điều này xảy ra, Washington sẽ hoãn 1,3 tỷ USD viện trợ quân sự hàng năm cho Cairo.
Tuy nhiên, những bình luận ông Kerry hôm qua cho thấy sự phản đối mạnh mẽ của Mỹ với hành động của chính phủ lâm thời Ai Cập.
"Sự việc hôm nay (14/8) thật tồi tệ, chúng đi ngược lại những nguyện vọng của người dân Ai Cập về hòa bình, thống nhất và dân chủ", ông Kerry nói. "Chính phủ lâm thời và quân đội chịu trách nhiệm hoàn toàn trong việc ngăn chặn bạo lực tiếp diễn và đưa ra những giải pháp mang tính xây dựng để đạt đến một lộ trình hòa bình toàn diện về chính trị".
Theo ông Kerry, những giải pháp này bao gồm sửa đổi hiến pháp, tổ chức bầu cử quốc hội và bầu cử tổng thống. Ông nói giải pháp chính trị là lựa chọn duy nhất, nhưng "sự việc hôm nay đã khiến mọi chuyện trở nên khó khăn hơn rất nhiều".
Cuộc trấn áp này đã làm ít nhất 278 người thiệt mạng, trong đó có 43 cảnh sát, và dẫn đến việc ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một tháng tới ở Cairo và 13 tỉnh khác.
Liên Hợp Quốc (LHQ), Liên minh châu Âu, Anh, Pháp, Iran, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ cũng lên án mạnh mẽ việc chính phủ lâm thời Ai Cập dùng vũ lực để phá hủy hai trại biểu tình ở Cairo.
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon, người kêu gọi hai phe đối lập của Ai Cập kiềm chế, bày tỏ rằng ông không vui khi "chính quyền Ai Cập chọn dùng vũ lực để đối phó với những cuộc biểu tình đang diễn ra".
Ngoại trưởng Anh William Hague bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về tình trạng bất ổn và bạo lực leo thang. "Tôi lên án việc dùng vũ lực để dẹp người biểu tình và kêu gọi các lực lượng an ninh hành động kiềm chế", ông nói.
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Catherine Ashton, kêu gọi những nhà cầm quyền Ai Cập chấm dứt tình trạng khẩn cấp toàn quốc dài một tháng, vừa được ban ra sau cuộc trấn áp, nhằm đưa cuộc sống ở Ai Cập trở lại bình thường.
Ngoại trưởng Thụy Điển Carl Bildt viết trên Twitter: "Trách nhiệm chính thuộc về các lực lượng của chính quyền. Thật sự rất khó để khôi phục lại tiến trình chính trị".
Qatar, nước đồng minh chính của phong trào Anh em Hồi giáo, tổ chức ủng hộ ông Morsi, đưa ra bình luận tương tự. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh của chính quyền Morsi, thúc giục cộng đồng quốc tế phải hành động ngay lập tức trước "phản ứng không thể chấp nhận được" đối với những người biểu tình.
Iran gọi cuộc trấn áp trên là "một cuộc thảm sát". "Iran đang theo dõi sát sao những sự kiện bi thương ở Ai Cập, bất bình trước những hành động bạo lực, lên án việc thảm sát người dân và cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng", Bộ Ngoại giao nước này nói.
Pháp, Đức và Italy không đổ lỗi cho bên nào trong cuộc khủng hoảng mà chỉ kêu gọi kiềm chế. Nga cũng "kêu gọi tất cả lực lượng chính trị kiềm chế và bình tĩnh, nhằm tránh làm leo thang tình hình và gây mất mát thêm về người".
Anh Ngọc
Nguồn: VnExpress