Những người sống với trái tim đã chết

Ở nơi mà mỗi gia đình chỉ được phép có một con, ý niệm về việc đứa con độc nhất đó bị bắt và đem bán quả là quá tàn nhẫn. Các bậc cha mẹ bị mất mát đó đã sống tiếp như thế nào? - VnExpress

Đó là nội dung một phim tài liệu vừa ra mắt trực tuyến tuần trước. Rất hấp dẫn và cũng khó xem, phim là kết quả của hai năm làm việc với ngân khoản 7.500 USD tiền tài trợ thu được nhờ kêu gọi lòng hảo tâm qua Internet.

"Người ngoài không thể hiểu được", Charlie Custer, blogger và là người cùng với vợ làm bộ phim "Sống với con tim đã chết", nói. "Người Trung Quốc cũng biết chuyện bắt cóc có tồn tại, nhưng cũng không biết được số vụ bắt cóc lại nhiều đến thế". 

Động lực để làm phim, theo Custer, là vấn nạn bắt cóc trẻ em đã nhức nhối nhiều năm qua và gây ra những tranh cãi trong lòng Trung Quốc, về chính sách một con, về việc tìm kiếm.

"Bắt cóc trẻ con là một trong các vấn đề xã hội mà mọi người Trung Quốc đều nhất trí rằng không nên để hoành hành", Custer nói trên tờ WSJ.

dead-heart-1376045791_500x0.jpg
Ông của một đứa trẻ bị bắt cóc, vừa khóc vừa gửi lời nhắn nhủ đến cháu trong phim của Custer.

Thị trường buôn bán trẻ em ngày càng lan rộng, theo các báo cáo từ báo chí nhà nước. Giá của một trẻ em bị bán dao động từ 30 đến 80 nghìn tệ (4.900 đến 13.000 USD). Một số em bị bán cho các nhà hiếm con, số khác bị đưa vào nhà chứa, bán làm vợ hoặc bị nhồi nhét vào những tập đoàn ăn xin.

Con số trẻ bị bắt cóc hiện rất khác nhau, tùy số liệu của các cơ quan chức năng. Tháng 6 năm nay, đài phát thanh CNR ước tính 200.000 cháu bị bắt cóc mỗi năm, nhưng sau đó một quan chức công an cấp cao bác bỏ con số này. Trong phim tài liệu của Charlie, con số vào khoảng 70.000.

"Con số đó thật kinh khủng. Nhưng con số không nói hết mọi điều. Chúng tôi muốn làm một bộ phim để đưa các bạn đến với những gương mặt người cụ thể trong bi kịch", đạo diễn nói.

Anh đã gọi điện đến nhiều gia đình có con bị bắt cóc, và cuối cùng quyết định đến quay phim ở ba nhà. Câu chuyện của họ trở thành cốt lõi cho phim.

Gia đình thứ nhất của Liu Liqin, công nhân ở thành phố Thái Nguyên tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc. Con của Liu bị bắt cóc khi cháu đang chơi ở ngõ nhỏ gần nhà cùng với hai em bé khác vào tháng 4/2010. 

"Trong suốt những tháng đầu mất con, cô ấy và tôi không phân biệt được ngày và đêm", Liu nói về vợ mình. Vợ chồng anh, trước đây có hai con, đã bị triệt sản để không vi phạm chính sách một con nữa.

Nhắn gửi đến đứa con không biết đang ở phương trời nào, Liu nói: "Bố mẹ không tốt. Nhưng bố mẹ sẽ tiếp túc tìm con chừng nào bố mẹ còn hơi thở".

Ông nội của đứa bé bị bắt cóc vừa khóc vừa nói: "Cháu ơi, ông bà là người lớn, thế mà không bảo vệ được cháu, để kẻ xấu bắt cháu đi. Ông xin lỗi cháu. Cháu cứ hận ông bà cha mẹ đi".

Những nếp nhăn hằn rõ trên gương mặt đen đúa của ông. Bàn tay to sần sùi của ông đưa lên chùi nước mắt, nấc lên, rồi ông nói tiếp: "Mùa đông năm ngoái rất lạnh, tôi tự hỏi cháu tôi có mặc áo ấm không. Mùa xuân đến, người ta đốt pháo mừng tết, tôi tự hỏi cháu tôi có được chơi pháo không. Mùa hè, không biết cháu tôi có biết cởi bớt áo bông? Ban đêm tôi tự hỏi liệu cháu ngủ có ngon không?".

Video: "Sống với trái tim đã chết"

Trong những ngày ở Trung Quốc, Charlie nhìn thấy nhiều đứa trẻ ăn xin trên đường phố và kể chuyện này với một người bạn là cựu cảnh sát địa phương. Anh cảnh sát cho biết rất có thể bọn trẻ đó đã bị bắt cóc và bán cho băng nhóm ăn xin. Custer càng quyết đuổi vấn đề, anh ghi chép ở bất cứ nơi nào gặp bọn trẻ lang thang.

"Chuyện trẻ ăn xin xảy ra khắp nơi", Custer nói.

Trong một số trường hợp, thủ tục hành chính nhiêu khê cản trở việc làm phim. Có những vụ, chính cán bộ kế hoạch hóa gia đình đem trẻ con của nhà khác đi bán. Cha mẹ của trẻ bị bắt cóc thường là nghèo và ít học, không biết phải làm gì và có các quyền gì.

Những cản trở khác trong việc đi tìm kiếm trẻ bị bắt cóc là nó đòi hỏi sự kiên nhẫn lâu dài, tỷ lệ tìm được thấp, và dễ khiến cảnh sát nản lòng. Những kẻ buôn người mang trẻ con đi thật xa, không những bán cho các nhà làm con nuôi, mà còn đưa chúng vào những lò gạch bí mật, nơi các bậc cha mẹ khó có thể nào tìm được.

Mẹ của cậu bé Yuan Xueyu, 15 tuổi bị bắt cóc kể rằng bà đã ngất khi hay tin con biến mất. Rồi ngày lại ngày, vợ chồng bà đi tìm con trong tuyệt vọng. Đã bốn năm qua, cảnh sát vẫn chưa tìm ra manh mối gì hơn. "Suốt bốn năm qua, mỗi sáng dậy, tôi rửa mặt bằng nước mắt", người mẹ vừa nói vừa nấc.

tre-em-trong-lo-g-c-1376045791_500x0.jpg
Nhiều trẻ em Trung Quốc bị bắt cóc và bán vào các lò gạch, lao động khổ sai. Ảnh cắt từ phim Living with dead hearts.

"Mục đích của chúng tôi là tác động đến tình cảm của người xem, để họ đủ xúc động để quan tâm nhiều hơn đến vấn đề nhức nhối này", Custer nói. "Hy vọng rằng khi có nhiều người quan tâm hơn, thì cơ hội được trở về của các cháu bé sẽ nhiều hơn".

Nhưng cũng có nhiều đứa trẻ đã không bao giờ trở về, nhất là với những em bị đưa ra nước ngoài, cơ hội càng quá mỏng manh.

Bé gái Lei Xiao Xia, 12 tuổi khi bị bắt cóc ở thành phố Datong, tỉnh Thiểm Tây tháng 5 năm ngoái, dường như bốc hơi không để lại bất cứ dấu vết gì. Cha mẹ em và những người thân đã đi tìm khắp thành phố, nhờ cảnh sát, lên đài truyền hình và phát thanh, nhưng rồi vô vọng.

"Mục đích đời tôi bây giờ chỉ là tìm con gái về", mẹ của em Lei, nước mắt chảy tràn trên mặt, nói. "Không tìm được con, đời tôi còn ý nghĩa gì?".

Mẹ của Yuan vẫn nuôi hy vọng không nguôi, một ngày nào đó con trai sẽ trở về. Em gái của Yuan, nay 11 tuổi, khóc nức nở vùi đầu vào lòng mẹ khi được hỏi về anh trai: "Anh trai, trở về sớm đi, đừng để cả nhà lo lắng".

Ánh Dương