Cơn sốt chữa bệnh bằng nọc ong ở Trung Quốc
- 8/15/2013 8:09:28 AM
Nọc ong là cái tên mới nhất trong danh sách những phương pháp điều trị đặc biệt của y học cổ truyền Trung Quốc. Nó gây nên cơn sốt nhưng cũng kéo theo những ý kiến trái chiều về tác dụng thực sự đối với người bệnh. - VnExpress
Một người đàn ông đang được chữa bệnh bằng nọc ong. Ảnh: AFP |
Theo các thầy thuốc, nhiều bệnh nhân tại Trung Quốc đang đổ xô đến những phòng khám y học cổ truyền để được trị liệu bằng nọc ong, với mong muốn chữa khỏi hoặc có thể phòng ngừa các bệnh nan y.
Wang Menglin, chuyên gia điều trị bằng nọc ong tại một phóng khám ở thủ đô Bắc Kinh - người có nguồn thu nhập chính từ các tín đồ của phương pháp trị liệu bằng nọc ong, cho biết có hơn 27.000 người đang được điều trị bằng phương pháp đau đớn vô cùng này. Bệnh nhân bị ong đốt hàng chục lượt trong mỗi lần điều trị.
“Chúng tôi dí con ong vào một điểm trên cơ thể, giữ đầu và kẹp chặt cho đến khi ngòi ong nổi lên,” chuyên gia Wang nói tại phòng khám ở vùng giáp ranh thủ đô. "Loài ong mà chúng tôi sử dụng là loài được nhập từ Ấn Độ, chúng chết ngay sau khi đốt".
“Chúng tôi đã điều trị cho nhiều bệnh nhân với các loại bệnh khác nhau từ viêm khớp cho tới ung thư, và tất cả đều có kết quả rất khả quan,” Wang nói thêm. Theo chuyên gia này, nọc ong có thể sử dụng để điều trị “hầu hết các bệnh thông thường liên quan đến chi dưới". Wang cũng khẳng định tác dụng phòng bệnh của phương pháp này.
Một trong những bệnh nhân của Wang chia sẻ, bác sỹ chẩn đoán anh bị ung thư phổi và ung thư não và chỉ sống được nhiều nhất là một năm nữa, nhưng anh lại đang tin rằng tuổi thọ của mình gần như được kéo dài gấp đôi nhờ có phương pháp trị liệu bằng nọc ong. “Từ năm ngoái đến giờ tôi đã thấy mình khỏe hơn rất nhiều”, bệnh nhân này.
Tuy nhiên, ngoại trừ những kháng thể tự nhiên mà cơ thể sản sinh ra khi bị ong đốt, không có bằng chứng y học chính thống nào cho thấy nọc ong có thể trị bệnh. Một trang web khoa học của phương Tây đã miêu tả cái được gọi là “liệu pháp ong đốt” này là một “ngón lang băm”.
“Không có một nghiên cứu lâm sàng trên người nào cho thấy nọc ong hay những sản phẩm khác từ mật ong có thể phòng hay chữa bệnh ung thư. Chỉ đơn thuần dựa vào loại trị liệu này mà không tuân theo những phương pháp trị liệu chính thống thì di chứng bệnh để lại sẽ càng trầm trọng hơn mà thôi”, Hiệp hội Ung thư Mỹ khẳng định trên trang web của hội này.
Kinh Koran cũng nhắc đến loại thuốc nước được chế xuất từ ong và Charlemagne (742-814) - Hoàng đế La Mã đầu tiên - được cho là đã được chữa trị bằng nọc ong. Ở phương Tây, nọc ong cũng được sử dụng bởi những bệnh nhân bị chứng đa xơ cứng – một loại bệnh mãn tính gây tổn thương các dây thần kinh trong tủy sống và não.
Nhưng Hiệp hội nghiên cứu bệnh đa xơ cứng Hoa Kỳ lại khẳng định trên website của họ rằng: “Dù có nhiều lời đồn đại từ xa xưa về những lợi ích của nọc ong đối với người mắc chứng sơ cứng tế bào, nhưng một nghiên cứu ngẫu nhiên trong vòng 24 tuần chỉ ra rằng không có dấu hiệu suy giảm của triệu chứng bệnh và không có sự tiến triển trong chất lượng cuộc sống”.
Nọc ong là một trong những phương pháp trị liệu của y học cổ truyền Trung Hoa, vốn dựa trên nguyên liệu chính từ cây cỏ và động vật, trong đó có một số loài quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Y học cổ truyền Trung Hoa là một phần quan trọng trong hệ thống y tế Trung Quốc và là một ngành công nghiệp đang phát triển mạnh mẽ hiện vẫn nhận được sự quan tâm đầu tư lớn từ chính phủ.
Nhiều người Trung Quốc không đủ khả năng chi trả cho những dược phẩm chính thống do bảo hiểm y tế quốc gia còn hạn chế.
Những người cao tuổi, cũng là những người hay đau yếu, lại thích điều trị bằng thuốc cổ truyền bởi niềm tin vào sức mạnh tự nhiên đã ăn sâu vào tiềm thức và mạnh mẽ hơn rất nhiều so với những phương pháp y học hiện đại.
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, hầu hết những bệnh viện tại nước này đều có phòng khám y học cổ truyền. Đó cũng là nguồn thu lớn cho các công ty và những người hành nghề y. Trong năm 2012, ngành y học cổ truyền Trung Hoa sản xuất ra số lượng sản phẩm có giá trị lên tới 516 tỷ tệ (84 triệu USD), chiếm hơn 31% tổng sản lượng thuốc của cả nước.
Hoàng Uyên (theo CNN)