Trẻ em Việt Nam được ca ngợi học giỏi

Tạp chí khoa học Physorg dẫn một nghiên cứu uy tín đánh giá rằng trình độ của học sinh tiểu học Việt Nam vượt xa Ấn Độ. - VnExpress

Kết quả một nghiên cứu trong dự án Young Lives của Đại học Oxford cho thấy có 95% trẻ khoảng 10 tuổi ở Việt Nam biết làm phép tính cộng bốn chữ số, 85% biết cách trừ số thập phân và 81% tìm được ẩn số của phương trình đơn giản.

Ở Ấn Độ, một trong bốn quốc gia là đối tượng khảo sát, tình hình khác hẳn. Chưa đến một nửa số em có thể làm phép tính cộng hai chữ số; và có đến hai phần ba số trẻ lớp ba ở các trường công không làm nổi bài kiểm tra dành cho học sinh lớp một.

hoc-sinh-lam-toan-JPG-1376465903_500x0.j
Học sinh tiểu học Việt Nam trong một cuộc thi làm toán nhanh. Ảnh: edu.vn

Ở cả hai nước, sự thiếu hụt các kỹ năng giáo dục là một trong những vấn đề lớn nhất. Việt Nam và Ấn Độ đều là các nước đang phát triển và có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá nhanh, tỷ lệ người sống ở mức nghèo tương đương nhau. Theo kết quả nghiên cứu mới công bố hôm qua, thì kỹ năng giảng dạy của giáo viên là nguyên nhân khiến các học sinh Ấn Độ, cho dù đến lớp, cũng chẳng học được gì nhiều.

Yong Lives là một dự án lớn kéo dài 15 năm, nghiên cứu trên 12.000 trẻ em ở 4 quốc gia, với mục đích tìm hiểu mọi mặt cuộc sống trẻ thơ, từ đó tư vấn chính sách đối với trẻ em. Tại Việt Nam, nghiên cứu được thực hiện trên 3.000 học sinh ở 56 trường công, diện đối tượng trải rộng từ các em khuyết tật thiểu năng, học sinh trung bình cho đến các em có nền tảng kinh tế xã hội tốt.

Báo cáo của Oxford nhận xét: "Ở Việt Nam với các học sinh nghèo, xuất phát điểm thường thấp hơn nhưng các em đều tiến bộ nhờ "các giáo viên có động cơ tốt và được huấn luyện kỹ càng". Trong khi đó ở Ấn Độ thì học sinh trường công không có nhiều tiến bộ về học thuật và điểm số".

Cũng theo Young Lives, tình trạng tài chính của các gia đình ở Việt Nam không ảnh hưởng nhiều đến học lực của con em họ. Còn ở Ấn Độ, nhiều bậc phụ huynh tại bang Andhra Pradesh không bừng lòng với chất lượng học tập của các học sinh ở lứa tuổi 8, dù số lượng học sinh đi học trường công tăng gấp đôi lên  44% kể từ 2002 đến 2009.

Giáo sư Jo Boyden, đứng đầu dự án nghiên cứu Young Lives, phát biểu: "Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng ở Ấn Độ, có một vấn đề là hệ thống giảng dạy công không đáp ứng nổi nhu cầu học của đa số học sinh.

"Trong khi đó ở Việt Nam, các chỉ số cho thấy rằng hầu hết các em học sinh, cho dù điều kiện kinh tế xã hội như thế nào vẫn có thể tiến bộ tốt nếu các em được học ở những trường, nơi các em được hỗ trợ thích đáng cho việc học tập".

Ông Boyden nhấn mạnh rằng với những nước có nguồn dân số trẻ đông đảo như Việt Nam, Ấn Độ hay Nam Phi, số người dưới 25 tuổi chiếm 40%, thì việc không đảm bảo chất lượng học tập sẽ tước đi cơ hội phát triển trong tương lai. 

Ánh Dương