Thầy luyện thi kiếm 4 triệu USD mỗi năm - VnExpress
- 8/13/2013 11:58:30 PM
Kim Ki-hoon là siêu sao ở Hàn Quốc, có thâm niên luyện thi 20 năm, không bao giờ dạy ở trường công. Anh được trả tiền theo nhu cầu của người học, và nhu cầu ấy là cơn sốt không hề dứt. - VnExpress
Kim dạy trong các viện đào tạo học sinh phổ thông ngoài giờ, nói nôm na là lò luyện thi, ở Hàn Quốc. Tiền anh kiếm được từ việc giảng dạy online. "Tôi càng làm việc chăm chỉ, thì càng có nhiều tiền", Kim cho biết. "Tôi thích thế".
Mỗi tuần Kim làm việc 60 giờ, chuyên dạy tiếng Anh. Trong đó anh chỉ dành 3 giờ để giảng bài. Các buổi dạy của anh được ghi lại trên băng video, truyền qua Internet, trở thành hàng hóa sẵn sàng phục vụ người mua. Giá là 4 USD một giờ giảng. Anh dành hầu hết thời gian trong tuần để trả lời các câu hỏi online của học sinh, lên kế hoạch giảng dạy và viết sách giáo khoa cũng như sách bài tập. Anh đã viết 200 cuốn.
Kim Ki-hoon, thầy giáo dạy thêm kiếm 4 triệu USD mỗi năm. Ảnh: The WSJ. |
Các thầy giáo siêu đẳng là một trong những điểm mạnh của hệ thống giáo dục Hàn Quốc - một trong các cường quốc về giáo dục. Nhờ dịch vụ dạy thêm, Hàn Quốc đã nhanh chóng cải thiện hệ thống giáo dục cũ từng tồn tại nhiều thập niên, để đạt những thành tựu quan trọng. 60 năm trước, hầu hết người Hàn Quốc mù chữ. Giờ đây, các học sinh lứa tuổi 15 của Hàn Quốc đứng thứ nhì thế giới, chỉ sau học sinh Thượng Hải. Tỷ lệ tốt nghiệp trung học của Hàn Quốc đạt 93% so với mức 77% của Mỹ.
Dạy kèm thêm là dịch vụ phổ biến toàn cầu, từ Hong Kong tới Mỹ. Đôi khi hệ thống học thêm được gọi là "cái bóng", bởi nó song hành cùng hệ thống chính thức. Các trung tâm học thêm hoạt động sau giờ học chính, nhưng nay nó đang dần bành trướng quy mô, thậm chí có nơi số giáo viên ở các trung tâm dạy thêm vượt quá số giáo viên ở hệ thống trường chính thức.
Hệ thống này tạo ra điều tốt lẫn điều xấu. Một mặt, nó khuyến khích sáng tạo và nỗ lực của học sinh và giáo viên, giúp Hàn Quốc trở thành một cường quốc về giáo dục và khoa học công nghệ. Mặt khác, nó tạo ra một cuộc chiến tranh gay gắt về giáo dục, theo đó dịch vụ giảng dạy tốt nhất sẽ được mua bởi các gia đình giàu có nhất, chưa kể những tác hại tâm lý đến với học sinh. Với kiểu cách này, học sinh phải đi học hai lần - một lần ban ngày và một vào ban đêm, ở các trung tâm học thêm. Các em ở trong một cái máy xay không ngừng nghỉ.
Phần lớn thu nhập của Kim đến từ 150.000 học sinh theo dõi bài giảng của anh mỗi năm. Hầu hết chúng đang học phổ thông, muốn làm đẹp bảng điểm của mình. Tên tuổi của Kim nổi như cồn. Anh thuê 30 người giúp việc và điều hành một công ty xuất bản sách.
Nếu gọi công việc của Kim là dạy kèm thêm thì chưa thỏa đáng. Megastudy, trung tâm dạy thêm trực tuyến mà Kim làm việc, được niêm yết trên thị trường Hàn Quốc. Trung tâm này cũng xác nhận con số thu nhập của anh, 4 triệu đôla Mỹ (gần 90 tỷ đồng).
Gần 75% số trẻ em Hàn Quốc có học thêm bên ngoài trường. Năm 2012, cha mẹ các em chi 15 tỷ USD cho việc học thêm. Thị trường dạy thêm ở nước này béo bở đến mức thu hút cả những hãng đầu tư sừng sỏ như Goldman Sachs, Carlyle Group và A.I.G.
Ở Mỹ, nếu muốn làm nghề gì giàu có, người ta thường chọn ngân hàng hay luật sư. Ở Hàn Quốc, nếu anh đã là giáo viên, kiểu gì anh cũng giàu.
Chứ sao? Dạy tốt rất khó, vậy tại sao giáo viên giỏi lại không giàu. Để kiếm được các giáo viên giỏi như Kim, giám đốc các trung tâm dạy thêm phải tìm mỏi mắt trên Internet, đọc nhận xét của các học sinh và phụ huynh, xem bài giảng của giáo viên. Các trung tâm cũng thường phải chèo kéo, săn đón giáo viên của đối thủ. "Những giáo viên thực sự giỏi rất khó bị giữ chân - và khó quản lý. Chúng tôi phải tôn trọng cái tôi của họ", Lee Chae-yun, chủ của 5 trung tâm dạy thêm ở Seoul than phiền.
Sự khác biệt lớn nhất giữa học thêm thời nay và xưa kia, là bây giờ học sinh được tự chọn từng thầy giáo cụ thể, vì thế những thầy giỏi nhất sẽ có rất nhiều học sinh. Kim có 120 học sinh đến lớp nghe giảng mỗi buổi, trong khi các giáo viên hạng thường chỉ thu hút được ít học sinh hơn. Hệ thống giáo dục tư nhân của Hàn Quốc đã giảm thiểu các yếu tố của giảng dạy xuống, hầu như chỉ còn một: giáo viên.
Giáo viên ở trung tâm dạy thêm này không có lương cơ bản, không cần bằng cấp, họ tự do như chim, họ nhận thù lao dựa trên lao động, họ làm việc rất nhiều giờ nhưng hầu hết thu nhập không bằng lương của giáo viên trường công. Đánh giá giáo viên dựa trên số học sinh theo học, sự tăng tiến trong bảng điểm của các em, và mức độ hài lòng của cha mẹ.
"Học sinh là khách hàng", bà chủ Lee nói. Để thu hút khách hàng, các trung tâm thường quảng cáo ác liệt về kết quả thi. Rồi khi các em đã đăng ký học, trung tâm sẽ làm cho việc học của học sinh ăn sâu vào đời sống gia đình. Tin nhắn về kết quả học của các em bay tới tấp từ trung tâm tới bố mẹ các em, đòi hỏi ý kiến từ họ. Hai ba tháng một lần, giáo viên gọi điện nói chuyện với bố mẹ học sinh. Thi thoảng giám đốc trung tâm đích thân gọi đến. Ở Hàn Quốc, nếu cha mẹ học sinh không tham gia vào quá trình giáo dục, đó là thất bại của các trung tâm và các trường, chứ không phải của gia đình.
Nếu phản hồi từ phụ huynh không tốt, giáo viên có thể bị trung tâm cho nghỉ việc. Mỗi năm Lee hủy hợp đồng với 10% giáo viên. Sức ép này khiến các giáo viên phải rất sáng tạo, và dần dần các giáo viên dạy thêm được đánh giá cao hơn cả giáo viên chính thức, ít nhất là trong mắt các em học sinh. Họ phải chuẩn bị bài kỹ lưỡng hơn, dạy nhiệt tình hơn và tôn trọng ý kiến của học sinh hơn, đối xử với các em công bằng hơn.
Suốt nhiều chục năm qua, chính phủ Hàn Quốc đã nỗ lực để giảm bớt thị trường giáo dục tư nhân, thậm chí áp đặt lệnh cấm và quản lý thật chặt các trung tâm luyện thi, và những năm 1980 đã cấm hoàn toàn. Mỗi lần bị cấm, các trung tâm lại hồi sinh mạnh hơn.
"Cách duy nhất là phải nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục", giáo viên kiếm 4 triệu USD tên Kim nói. Nếu cha mẹ học sinh tin tưởng hệ thống trường chính thức, họ không tội gì phải trả nhiều tiền bạc và công sức cho con học thêm.
Kim cũng đề nghị trả lương cao hơn cho giáo viên, dựa trên chất lượng giảng dạy như các trung tâm đang làm. Như vậy phụ huynh có thể yên tâm rằng những người tốt nhất, nhiệt tình nhất đang dạy con cái họ trong trường, chứ không phải đi tìm kiếm đâu xa ngoài chợ học.
Việc học thêm hay không là câu hỏi nan giải ở nhiều nước. Nhưng trong thế giới thông tin hiện nay, trẻ con cần biết cách tư duy có phê phán trong việc làm toán, đọc sách và trong khoa học; chúng cần được dẫn dắt và học cách thích nghi, bởi những kỹ năng đó cần thiết cho cả cuộc đời. Những điều này đòi hỏi các trường công thay đổi, và nếu họ không thay đổi thì thị trường giáo dục tư nhân sẽ làm điều đó thay họ.
Đoạn trích trên lấy từ cuốn "The Smartest Kids in the World—and How They Got That Way" (tạm dịch: Những đứa trẻ giỏi giang nhất thế giới - làm thế nào chúng đạt được điều đó) sẽ xuất bản ngày 13/8 tại Mỹ. Tác giả cuốn sách, bà Amanda Ripley là thành viên danh dự của New America Foundation.
Ánh Dương (theo WSJ)