Thanh niên Việt Nam mất 6 năm để tìm việc ổn định - VnExpress
- 8/13/2013 11:57:26 PM
Theo điều tra của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), thanh niên Việt Nam mất trung bình 6 năm tìm kiếm một công việc ổn định hoặc làm hài lòng. Nhiều người có trình độ cao hơn yêu cầu của công việc của họ. - VnExpress
Đầu năm 2013, Tổng cục Thống kê và Tổ chức Lao động quốc tế bắt đầu thực hiện điều tra quốc gia về chuyển tiếp từ trường học tới việc làm (school-to-work transition survey) nhằm làm rõ quãng thời gian từ khi thanh niên rời trường học, cho đến khi họ có được công việc ổn định hoặc công việc đầu tiên thấy hài lòng.
Kết quả ban đầu cho thấy, phần lớn thanh niên Việt Nam (khoảng 59%) đã hoàn thành quá trình chuyển tiếp sang thị trường lao động với tỷ lệ nam nhiều hơn nữ. Khoảng 23% vẫn đang đi học và số còn lại đang trong quá trình chuyển tiếp.
Thời gian chuyển tiếp từ nhà trường đến việc làm của thanh niên Việt Nam rất dài, nhiều người làm việc có yêu cầu thấp hơn trình độ. Ảnh minh họa: HT. |
Trong số thanh niên đã hoàn thành quá trình chuyển tiếp, một nửa tìm được việc làm ổn định, nửa còn lại đang làm những việc tạm thời. Có rất ít người sau khi rời trường học tìm được công việc ổn định khiến họ hài lòng. Đa phần khi ra trường, thanh niên phải trải quả những công việc tạm thời mà không hài lòng hoặc làm việc không lương cho gia đình trước khi có thể tìm được việc làm tốt hơn.
Số liệu cho thấy, những người đang trong quá trình chuyển tiếp đã mất trung bình 6 năm vật lộn tìm kiếm một công việc ổn định hoặc làm họ hài lòng. Phương pháp tìm việc phổ biến nhất của thanh niên là hỏi bạn bè, người thân và những người có kinh nghiệm. Các hoạt động hướng nghiệp, tư vấn việc làm, thông tin thị trường lao động và dịch vụ việc làm yếu kém.
Kết quả điều tra cũng cho thấy, chất lượng việc làm cho thanh niên tuổi từ 15 đến 29 chưa cao, phần lớn đang phải làm những công việc năng suất thấp. Cứ 10 người thì có 8 người làm những công việc không chính thức và một nửa trong số họ có việc làm không thường xuyên (việc tự làm hoặc hợp đồng tạm thời).
Tình trạng thanh niên có trình độ đào tạo cao hơn so với yêu cầu công việc cũng rất phổ biến. Cứ 10 thanh niên 15-20 tuổi lại có 3 người có trình độ cao hơn yêu cầu của công việc, khiến thu nhập thấp hơn mức đáng lẽ họ có thể được hưởng và họ không thể tận dụng toàn bộ tiềm năng năng suất lao động của mình.
Giám đốc ILO Việt Nam Gyorgy Sziraczki cho rằng, thanh niên Việt Nam cần được hỗ trợ để có một quá trình chuyển tiếp sang thị trường lao động thuận lợi hơn. Điều này sẽ giúp đất nước giải phóng tối đa tiềm năng của thanh niên.
"Việt Nam đang có một nguồn lao động trẻ dồi dào nhưng cũng sẽ sớm qua thời đỉnh cao của họ. Nếu không tận dụng được cơ hội, Việt Nam sẽ phải chịu những tổn thất về dài hạn", ông Gyorgy Sziraczki nói.
Kết quả điều tra quốc gia về chuyển tiếp từ trường học tới việc làm sẽ được công bố vào mùa thu này. Việt Nam là một trong số 28 quốc gia thực hiện điều tra. Theo kế hoạch, cuộc điều tra lần thứ hai sẽ được thực hiện vào năm 2014.
Điều tra chuyển tiếp từ trường học đến việc làm là một phần của dự án việc làm cho thanh niên (Work4Youth) thuộc khuôn khổ hợp tác giữa Chương trình việc làm thanh niên của ILO và Quỹ MasterCard. Dự án trị giá 14,6 triệu USD này được thực hiện trong 5 năm và kết thúc vào giữa năm 2016, với mục đích tăng cường công tác thu thập và sản xuất thông tin thị trường lao động dành riêng cho thanh niên và giúp các nhà hoạch định chính sách sử dụng, phân tích số liệu thống kê. |
Hoàng Thùy