Giải đáp liên quan đến số định danh chưa thuyết phục - VnExpress

Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, có số định danh cá nhân, người dân sẽ không còn phải mang theo bất kỳ loại giấy tờ nào trong người. Tuy nhiên, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ chưa đồng tình với những giải đáp của Bộ trưởng Tư pháp. - VnExpress

Trình dự án Luật Hộ tịch chiều 13/8, trong đó có đề cập tới số định danh cá nhân, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho hay, mỗi người hiện có thể sở hữu đến khoảng 20 loại giấy tờ, mỗi loại giấy tờ đều có số khác nhau. Các giấy tờ đều có chung đặc điểm là chứa đựng những thông tin cơ bản về hộ tịch của cá nhân (họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch…).

Tuy nhiên, trên một số loại giấy tờ của cùng một người thông tin của cá nhân cũng không trùng nhau, gây khó khăn trong việc sử dụng. Các số/mã số trên mỗi loại giấy tờ cũng có tính độc lập và không thể chia sẻ, kết nối được với nhau, nên dẫn đến sự cát cứ, khép kín thông tin cá nhân ở mỗi cơ quan quản lý, không phát huy được tính thống nhất trong công tác quản lý nhà nước. Để khắc phục hạn chế, bất cập nêu trên việc quy định số định danh cá nhân là hết sức cần thiết.

“Về bản chất, số định danh cá nhân được coi như “chìa khóa” để tra cứu thông tin cá nhân, phân biệt người này với người khác. Đồng thời, khi chúng ta xây dựng thành công Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và mỗi công dân có một số định danh, sẽ tạo ra sự đột phá quan trọng trong quản lý nhà nước, quản lý dân cư, phục vụ tích cực cho việc giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến cho người dân, cũng như trong lĩnh vực hộ tịch”, ông Cường nói.

33-277190-1370877751-500x0-1376406428_50
Bộ Tư pháp khẳng định, số định danh cá nhân là đột phá trong quản lý nhà nước, dân cư. Ảnh: Hoàng Hà.

Là cơ quan thẩm tra, Thường trực Ủy ban pháp luật tán thành quy định việc cấp số định danh cá nhân trong dự án Luật. Chủ nhiệm Phan Trung Lý đánh giá đây là điểm mới, “có ý nghĩa đột phá quan trọng về nhiều mặt”, tạo tiền đề cho công tác đơn giản hóa, cải cách thủ tục hành chính như một số quốc gia đang thực hiện và đạt hiệu quả cao. Đồng thời, khi quy định này được áp dụng sẽ dần lược bỏ nhiều loại giấy tờ trùng lắp, không cần thiết.

Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật cũng lưu ý, để thực hiện quy định này cần tính đến lộ trình cũng như sự đầu tư của Nhà nước để bảo đảm có hiệu quả, tránh lãng phí; cũng như cần có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, cơ quan, tổ chức hữu quan để khắc phục tình trạng chồng chéo về thẩm quyền quản lý dân cư.

Tuy nhận được đánh giá cao từ phía cơ quan thẩm tra song nhiều ý kiến thảo luận lại bày tỏ băn khoăn trước các mục tiêu mà dự thảo luật đưa ra. Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết, bà chưa hiểu một khi đã có số định danh thì mỗi công dân sẽ giảm được bao nhiêu giấy tờ cá nhân.

“Tôi chưa hiểu toàn bộ ý đồ của việc có số định danh này dẫn tới đâu. Cuối cùng có phải để quay lai vấn đề trước đây chúng ta tranh luận về 20 loại giấy tờ công dân đang mang vác suốt cả đời không. Nếu đưa ra lộ trình từ 2016 đến 2020 kết thúc thì ngoài số định danh còn bao nhiêu giấy tờ nữa?”, bà Mai đặt câu hỏi.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện bày tỏ sự kỳ vọng vào dự án luật, đặc biệt ở yếu tố thay thế nhiều loại giấy tờ công dân mang trong ví. Song, qua tờ trình của Bộ Tư pháp thì ông chưa nhận thấy lợi ích của số định danh mà chỉ thấy thêm thủ tục. “Sao các đồng chí không đặt vấn đề gom hộ khẩu, hộ tịch, hộ chiếu vào một?”, ông nêu vấn đề.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh thiếu niên nhi đồng Đào Trọng Thi yêu cầu làm sao phải có cơ sở dữ liệu dùng chung để người dân sử dụng ở bất cứ đâu khi đăng ký các thủ tục khác nhau.

Chưa hài lòng vì đến lần thứ 2 trình Ủy ban Thường vụ, dự thảo luật vẫn chưa giải đáp được các câu hỏi từng được nêu ra vào tháng 9/2012, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhắc lại nguyên tắc là khi dự luật chưa đủ điều kiện, mọi vấn đề chưa giải quyết thì không trình.

“Bác Hồ nói cái gì lợi cho dân thì khó mấy cũng làm. Một người mang hơn 20 cái giấy, sau khi các đồng chí làm thì còn bao nhiêu giấy? Trước và sau khi có luật người dân phải đi qua mấy cửa? Chỉ cần bỏ được một nửa số giấy mỗi người đang phải mang vác thì người dân vỗ tay ầm ầm”, Chủ tịch Quốc hội bình luận.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, Chính phủ đã phê duyệt đề án tổng thể về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu dân cư đến 2020. Dự luật có hiệu lực từ 1/1/2016, từ thời điểm này những người mới sinh được cấp mã số cá nhân, người dưới 14 tuổi lập lại sổ hộ tịch, đến 2020 thì tất cả công dân đều có số định danh. Khi đó, số định danh mang theo suốt đời, gắn trên tất cả giấy tờ và duy nhất còn thẻ công dân điện tử thay thế tất cả giấy tờ khác.

Theo ông Cường, Chính phủ đặt quyết tâm cao để tới năm 2020 thực hiện trọn vẹn đề án. “Tôi xin khẳng định, dự án đặt lợi ích của người dân lên đầu tiên. Khi có mã định danh thì công dân không phải xuất trình các loại giấy tờ mà chỉ cần mang thẻ và cơ quan hành chính có trách nhiệm tra cứu, soi vào đó để có thông tin cá nhân”, ông nói.

Giải thích thêm cho câu hỏi của bà Trương Thị Mai, ông Hà Hùng Cường cho hay,  số định danh gắn với giấy tờ, đầu tiên là giấy khai sinh. Sau đó, đến các thủ tục khác như kết hôn, nhận con nuôi … thì chỉ cần đọc số định danh là sẽ tra cứu được. “Nếu dự luật được thông qua thì từ 1/1/2016, công dân không cần cầm giấy tờ gì cả. Bất kỳ lúc nào người dân cần bất cứ loại giấy tờ nào sẽ được nhà nước sao trích lục để cấp ngay”, ông Cường nói rõ thêm.

Riêng đối với vấn đề hộ khẩu, ông Cường cho hay, tất cả giấy tờ này sẽ được rà soát. Nếu xác định hộ khẩu chỉ là một vấn đề của hộ tịch thì sẽ tiến tới quy định chung luôn trong hộ tịch. Đại diện cơ quan soạn thảo cũng cho hay, việc triển khai đề án dự trù sẽ tốn khoảng 120 triệu Euro, tương đương với một con đường 100km nhưng nếu thực hiện được sẽ phục vụ cho rất nhiều vấn đề khác.

Tuy dành khá nhiều thời gian nhưng những giải đáp của Bộ trưởng Tư pháp chưa làm hài lòng Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, Chính phủ cần phải trả lời rõ sau khi có số định danh bao lâu thì chấm dứt được việc mang các loại giấy tờ khác, hay hộ tịch bao giờ thay thế hộ khẩu.

Ngoài ra, với một số vấn đề khác của dự luật, ông đề nghị tiếp tục xem xét để chỉnh sửa vì từ nay tới 2016, thời điểm dự kiến luật có hiệu lực, còn rất dài.

Chốt lại phần thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận xét, cơ quan soạn thảo chưa giải thích rõ ràng và thuyết phục. Ông đề nghị Chính phủ chuẩn bị, trình lại dự án luật vào đầu 2014.

Số định danh cá nhân dãy số tự nhiên được lập trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm mã hóa những thông tin cơ bản của cá nhân, được cấp cho mỗi cá nhân để đáp ứng yêu cầu tra cứu thông tin, phục vụ lợi ích của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Số định danh cá nhân chỉ được cấp một lần duy nhất cho cá nhân, được ghi vào Sổ bộ hộ tịch, trích lục hộ tịch và giấy tờ khác theo quy định của pháp luật (Điều 10 dự thảo Luật).


Nguyễn Hưng