Thừa Thiên Huế giai đoạn 2015-2020 khả thi 22 dự án cấp điện nông thôn

Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia cho tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2015-2020 nằm trong báo cáo nghiên cứu khả thi 22 dự án cấp điện nông thôn,

 Ông Nguyễn Văn Cao - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - cho biết, thời gian qua, Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) đã tích cực phối hợp với địa phương làm tốt công tác cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia, góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế nông thôn.

Tuy nhiên, hiện trên địa bàn vẫn còn hàng chục nghìn hộ dân chưa có điện lưới quốc gia hoặc chưa được cấp điện chính thức. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đang đề nghị Bộ Công Thương đôn đốc chỉ đạo EVNCPC sớm triển khai dự án đã được phê duyệt nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, từng bước nâng cao đời sống dân trí cho đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, đảm bảo an ninh, ổn định chính trị trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia cho tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2015-2020 nằm trong báo cáo nghiên cứu khả thi 22 dự án cấp điện nông thôn, hải đảo giai đoạn 2015 - 2020 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng trình Bộ Công Thương phê duyệt (Quyết định 11818/QĐ-BCT). Theo đó, sẽ xây dựng 121 trạm biến áp, 73,7 km đường dây trung thế; 648,07 km đường dây hạ thế để cấp điện cho 21.941 hộ dân thuộc 519 thôn/bản chưa có điện. Tổng vốn đầu tư toàn bộ dự án là 449,9 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước cấp là 381,6 tỷ đồng (chiếm 85%), vốn EVN là 67,3 tỷ đồng (chiếm 15%).

Ông Đặng Huy Cường - Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) cho rằng, mong mỏi trên không phải của riêng Thừa Thiên Huế mà còn nhiều địa phương khác, khó khăn lớn nhất trong khi triển khai là thiếu nguồn vốn ngân sách.

Nỗ lực giải bài toán vốn

Báo cáo của EVN cho thấy, để hoàn thành việc cấp điện theo Quyết định 11818/QĐ-BCT cần phải xây dựng mới trên 7.236 km đường dây trung áp, trên 13.640 km đường dây hạ áp, trên 8.500 trạm biến áp được đầu tư xây dựng để cấp điện trực tiếp từ lưới điện quốc gia cho hơn 262.500 hộ dân ở cả ba miền, giúp các hộ dân được hưởng lợi từ chính sách giá điện của Chính phủ. Cho đến nay, EVN đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư các dự án và chỉ đạo các tổng công ty điện lực triển khai thực hiện các dự án.

Theo ông Cường, vốn thực hiện chương trình từ trước tới nay phần lớn đều nhờ vào nguồn vốn nước ngoài, còn nguồn ngân sách nhà nước rất hạn chế. Năm 2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo cấp vốn cho 23 dự án cấp điện nông thôn do EVN làm chủ đầu tư là 140 tỷ đồng (khoảng 1,24%) nên EVN tạm thời bố trí cho các dự án chuyển tiếp và các dự án có yêu cầu khối lượng đầu tư phù hợp với vốn ngân sách nhà nước được phân bổ nhằm đảm bảo không để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản. Do đó, chưa thể bố trí nguồn vốn cho tỉnh Thừa Thiên Huế trong năm 2016.

Hiện nay Bộ Công Thương vẫn đang nỗ lực làm việc với các đối tác, tổ chức quốc tế như Liên minh châu Âu, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á... để vận động kinh phí cho Chương trình cấp điện theo Quyết định 2081 của Thủ tướng và hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi theo Luật đầu tư công sau khi có nghị quyết của Chính phủ về chủ trương đầu tư