Toàn cảnh khủng hoảng Ukraine

Ukraine trải qua ba tháng đầy biến động với đỉnh điểm là bạo động đẫm máu dẫn đến sự ra đi của cựu tổng thống Viktor Yanukovych. Các diễn biến đang ngày càng phức tạp do có lợi ích của các cường quốc đan xen tại quốc gia này. - VnExpress

Hàng trăm nghìn người đòi tổng thống từ chức

Từ cuối tháng 11/2013, hàng trăm nghìn người Ukraine bắt đầu đổ ra đường để yêu cầu tổng thống Viktor Yanukovych từ chức sau khi ông quyết định không ký kết một thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu. 

(Video: Youtube)

Khói lửa bao trùm Kiev

Đầu tháng 1, hàng chục người bị thương trong các cuộc biểu tình đẫm máu giữa cảnh sát và phe chống chính phủ ở Kiev. 200.000 người biểu tình tấn công lực lượng an ninh bằng đá và lựu đạn gây choáng để phản đối những quy định hạn chế đối với phong trào biểu tình.

(Video: Reuters)

Bạo lực bùng nổ

Từ biểu tình hòa bình, phong trào chống chính phủ Ukraine trở thành bạo lực vào ngày 18/2 khi cảnh sát chống bạo động tấn công thành lũy của người biểu tình ở quảng trường Độc lập. Hàng trăm nghìn người dùng gạch đá, pháo hoa và bom xăng để đáp trả lực lượng an ninh. 

 
(Video: RT )

Lệnh ngừng bắn bị phá vỡ

Ngày 20/2, người biểu tình tấn công cảnh sát ở Kiev, phá vỡ một thỏa thuận ngừng bắn mà tổng thống Viktor Yanukovych cùng phe đối lập và các nước trung gian hòa giải đưa ra, và tái chiếm quảng trường Độc lập. Phe biểu tình tố cáo lực lượng an ninh nã đạn vào họ. Một số video xuất hiện cho thấy các tay súng bắn tỉa bịt mặt không rõ bên nào bắn vào đám đông. Thông tin từ Nga cho hay nhiều công sở và cơ quan chính quyền ở các thành phố phía  tây Ukraine bị người biểu tình chiếm đóng. 60 cho đến 75 người bị bắn chết chỉ riêng trong ngày này.

(Video: RT)

Viktor Yanukovych tháo chạy

Hình ảnh được ghi lại hôm 21/2 qua camera an ninh, nhưng chưa được xác thực, cho thấy ông Yanukovych cùng các cố vấn tháo chạy khỏi dinh thự tổng thống bằng trực thăng. Người biểu tình sau đó tràn vào dinh tự để tận mắt chứng kiến lối sống của tổng thống, tuy nhiên tình trạng cướp bóc và hôi của không xảy ra.

Ngày 22/2, Quốc hội Ukraine bỏ phiếu nhất trí phế truất tổng thống Yanukovych và quyết định sẽ bầu cử sớm vào ngày 25/5.

(Video: BBC)

Nữ hoàng khí đốt Ukraine được trả tự do

Ngày 22/2, lãnh đạo hàng đầu của phe đối lập, bà Yulia Tymoshenko, người chịu án tù 7 năm vì tội lạm quyền, được trả tự do. 

Bà Tymoshenko nhận được sự chào đón nồng nhiệt khi xuất hiện trên quảng trường Độc lập. Bà ca ngợi người biểu tình chống tổng thống Viktor Yanukovych là những anh hùng vì đã triệt tiêu "bệnh ung thư của chế độ độc tài".

(Video: SkyNews)

Cảnh sát quỳ gối xin lỗi người dân

Ngày 24/2, cảnh sát chống bạo động Ukraine quỳ gối xin lỗi người dân ở thành phố Lviv vì đồng nghiệp của họ đã đánh đập và nổ súng vào người biểu tình trong những cuộc đụng độ xảy ra ở quảng trường Độc lập tại Kiev. Xuất hiện các vụ trả thù lẻ tẻ ở một số nơi nhằm vào những người ủng hộ chính phủ cũ.

(Video: Reuters)

Kiev tưởng niệm những người thiệt mạng

Người dân ở thủ đô Kiev đặt hoa và nến bên cạnh những thành lũy ngổn ngang ở quảng trường Độc lập để tưởng nhớ hơn 100 người đã thiệt mạng trong hơn ba tháng diễn ra cuộc biểu tình chống chính phủ. 

(Video: Telegraph)

Bạo lực bùng phát ở miền nam Ukraine

Khi bạo lực ở Kiev vừa lắng xuống, đụng độ lại nổ ra ở nước cộng hòa tự trị Crimea, phía nam Ukraine. Ít nhất một người đã thiệt mạng và 20 người bị thương khi những người ủng hộ chính sách thân Nga đụng độ với phe theo chính quyền mới. Với sự phân hóa rõ rệt cả về lợi ích kinh tế, văn hóa và ngôn ngữ giữa đông và tây Ukraine, nhiều người lo ngại nguy cơ nước này bị tách ra làm đôi trong cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.

Bán đảo Crimea có ý nghĩa quan trọng với Nga, hầu hết dân số ở đây nói tiếng Nga và thậm chí còn trông vào Moscow như điểm tựa về chính trị. Nga đặt căn cứ của Hạm đội Biển Đen tại khu vực này theo hợp đồng thuê đến năm 2042.

(Video: RT)

Trụ sở chính quyền phía nam Ukraine bị chiếm

Một nhóm tay súng hôm 26/2 xông vào tòa nhà quốc hội và tòa nhà chính quyền ở nước cộng hòa tự trị Crimea và cắm cờ Nga, khiến lực lượng an ninh Ukraine đặt trong tình trạng báo động. Một ngày sau đó, sân bay chính của thủ phủ Crimea bị một số tay súng kiểm soát. Sân bay quân sự gần căn cứ hải quân mà Nga thuê của Ukraine tại Sevastopol, trên bán đảo Crimea, cũng đã lọt vào tay của khoảng 110 người có vũ trang không biết thuộc phe phái nào.

(Video: Reuters)

Nga tập trận gần biên giới Ukraine

150.000 binh sĩ cùng 90 máy bay, hơn 120 trực thăng, hơn 880 xe quân sự và 80 tàu chiến của Nga tham gia cuộc tập trận bất ngờ ở sát biên giới Ukraine.

Mỹ và Ukraine cảnh báo Nga tránh can thiệp quân sự vào nước láng giềng, trong khi giới chức Nga khẳng định hoạt động quân sự này chỉ nhằm kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu của binh sĩ.

(Video: BBC)

Anh Ngọc

Nguồn: VnExpress