85.000 người ký tên bênh vực nam sinh Việt bị trục xuất

Một nghệ sĩ piano, một cảnh sát điều tra Australia và hơn 85.000 người đã ký tên để vận động gỡ lệnh cấm nhập cảnh với Dương Minh Tuấn, du học sinh Việt từng bị hành hung và mới bị trục xuất khỏi nước này.   - VnExpress

andrian-duong-minh-tuan-JPG-2646-1390215

Adrian De Luca (phải) và Dương Minh Tuấn (trái) tuần trước trả lời phỏng vấn ABCNews qua Skype, tại thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: ABCNews

"Chúng ta phải chăm sóc nam thanh niên này. Cậu ấy là khách quốc tế, không phải người tị nạn, không đến đây bất hợp pháp", Adrian De Luca, một nghệ sĩ piano ở Melbourne, bạn của du học sinh Dương Minh Tuấn nói hồi tuần trước.

De Luca kết bạn với Tuấn sau khi nghe tin anh bị những kẻ đầu trọc theo chủ nghĩa phát xít mới hành hung suýt chết trên đường phố Melbourne hồi năm 2012. "Tôi không thể tưởng tượng nổi việc ai đó cầm một viên gạch và đập nó vào đầu người khác đến nỗi viên gạch vỡ đôi. Khi tôi nghe thấy điều đó, trái tim tôi thực sự tan nát", De Luca nói. Nghệ sĩ piano Australia đã làm quen và đề nghị dạy cho du học sinh Việt những bài nhạc để giúp anh hồi phục. 

De Luca cũng chính là người đi cùng Tuấn hôm 8/1 từ Melbourne về thành phố Hồ Chí Minh. Đây là lần đầu tiên nam sinh về gặp gia đình kể từ sau vụ hành hung năm 2012. "Người phụ nữ làm thủ tục gọi một nhân viên Nhập cảnh tới. Người này kéo Minh sang một bên và nói với Minh, 'Ồ, dường như anh đã không đi học trong nhiều, rất nhiều tháng'", De Luca kể về sự việc tại sân bay Melbourne. 

"Thực ra, visa của anh đã hết hạn rất rất nhiều tháng trước. Anh là một công dân cư trú bất hợp pháp. Anh không nên ở đây", từ thành phố Hồ Chí Minh, De Luca kể lại lời của nhân viên nhập cảnh. 

Dương Minh Tuấn chỉ vào hàm răng khuyết, hậu quả vụ hành hung năm 2012, trong đoạn video thỉnh cầu Bộ trưởng Nhập cư Australia, từ thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: FairfaxMedia

Dương Minh Tuấn chỉ vào hàm răng khuyết, hậu quả vụ hành hung năm 2012, trong đoạn video thỉnh cầu Bộ trưởng Nhập cư Australia, từ thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: FairfaxMedia

Quan chức về nhập cư cho rằng visa của Tuấn hết hạn vào tháng ba năm ngoái, Bộ Nhập cư và Bảo vệ biên giới Australia ra quyết định không cho phép Tuấn trở lại nước này trong vòng ba năm, bất chấp việc Tuấn đưa ra giấy tờ chứng minh visa của anh còn hạn đến tháng 3/2014.

Hồi tháng 6/2012 tại Melbourne, Tuấn bị một nhóm đầu trọc theo chủ nghĩa phát xít mới hành hung, đâm và đập gạch vào đầu. Lực đập mạnh đến nỗi viên gạch vỡ làm hai. Nam sinh bị gãy nhiều răng trong vụ tấn công phân biệt chủng tộc và vẫn đang chờ được điều trị nha khoa, với một khoản phí tổn lên tới 25.000 USD. Một tên lĩnh án 10,5 năm tù, tên kia 4,5 năm tù. "Những công dân của chúng ta đã làm hại cậu ấy và chúng ta cần chạy chữa cho cậu ấy", De Luca nói. 

Ông Kevin Burke, cảnh sát tham gia điều tra vụ hành hung cũng viết một bức thư tới Bộ Nhập cư và Bảo vệ biên giới, liệt kê những chấn thương của Tuấn và đề nghị xem xét cả vụ hành hung khi cân nhắc gia hạn thêm visa cho anh. "Rõ ràng đó là một trong những vụ tấn công gây sốc và nghiêm trọng nhất tôi từng điều tra, và chắc chắn cả trong quãng thời gian tôi làm cảnh sát", ông Burke cho biết.

Cảnh sát Kevin Burke đề nghị Bộ Nhập cư Australia xem xét cả tính nghiêm trọng của vụ hành hung khi cân nhắc gia hạn thêm visa cho anh

Cảnh sát Kevin Burke đề nghị Bộ Nhập cư Australia xem xét cả tính nghiêm trọng của vụ hành hung khi cân nhắc gia hạn thêm visa cho Tuấn. Ảnh: ABCNews

Ông Burke cũng cho hay, với hàng loạt vết rạn ở hàm, xương sọ, sưng não, Tuấn cần điều trị tổng quát cả những chấn thương thể xác lẫn tâm lý trong hơn 6 tháng sau vụ tấn công. Điều này đồng nghĩa anh bị lỡ một học kỳ. "Tôi vẫn duy trì liên lạc với anh Duong và coi anh là một thành viên có đóng góp cho xã hội Australia".

Bất bình trước quyết định của Bộ Nhập cư và Bảo vệ biên giới, De Luca viết đơn thỉnh cầu gửi tới Bộ trưởng Scott Morrison, đề nghị ông ngăn chặn quyết định hủy visa. Đến ngày 20/1, đơn thỉnh cầu thu thập được 85.600 chữ ký trên trang change.org.

Bộ trưởng Morrison từ chối can thiệp một cách cá nhân vào tranh chấp visa của Tuấn. Văn phòng ông Morrison cho rằng Tuấn rời nước này hôm 8/1 với tư cách một người cư trú bất hợp pháp vì visa sinh viên của anh đã hết hạn. Trong thông cáo, văn phòng cho hay Tuấn sẽ được Đại sứ quán Australia tại Việt Nam hỗ trợ. Văn phòng cũng đang điều tra sự mâu thuẫn rõ ràng giữa tài liệu của bộ và của Tuấn.

Trọng Giáp

Nguồn: VnExpress