Nữ vệ sĩ Trung Quốc đua tài với nam

Những nữ vệ sĩ phải trải qua khóa học khắc nghiệt như lội mình trong bùn, nhảy vào nước đá, học cách sử dụng súng và phải tỉnh táo suốt cả ngày để bảo vệ cho các tỷ phú, triệu phú đang ngày một nhiều lên ở Trung Quốc. - VnExpress

ve-si-8-4987-1389948604.jpg

Các cô gái phải trải qua khóa học gian khổ để trở thành vệ sĩ. Ảnh: CNN

Yang Donglan, 22 tuổi, từng sống bằng nghề bán mỹ phẩm. Tuy nhiên, trong một năm qua, cô có một sự nghiệp khác và chuyển từ việc cầm cọ trang điểm sang côn nhị khúc, sau khi trải qua chương trình huấn luyện khắc nghiệt để trở thành một vệ sĩ.

"Tôi được đi khắp nơi cùng với thân chủ và thấy rất nhiều thứ, mở mang đầu óc", cô nói với CNN.

Yang đã tốt nghiệp khóa học ở Học viện An ninh Quốc tế Thiên Kiêu tại Bắc Kinh. Học viện này được thành lập từ năm 2008 từ một cơ sở huấn luyện vệ sĩ cho rất nhiều người giàu có của Trung Quốc.

Ảnh nữ vệ sĩ khổ luyện

Yang phải lội qua bùn trong thời tiết mùa đông giá lạnh, học cách sử dụng súng và phải tỉnh táo trong suốt khóa học mà cô mô tả là "đợt đào tạo độc ác".

"Tôi không thường xuyên chơi thể thao trước đây, nên tôi gặp vấn đề với việc thở khi chạy. Nhưng sau đó, tôi đã bắt kịp nhịp độ của chương trình học", cô nói.

Thị trường màu mỡ

Chen Yongqing, một cựu vệ sĩ và là người thành lập trường đào tạo, nói rằng ông nhận thấy nhu cầu cho dịch vụ vệ sĩ là rất lớn, nên quyết định mở trường và nhảy vào thị trường màu mỡ này.

Năm 2013, Trung Quốc có 317 tỷ phú, nhiều thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ, theo Hurun, tạp chí chuyên xếp hạng những người giàu có tại Trung Quốc.

"Chúng tôi không chỉ đào tạo cho các vệ sĩ về thể lực mà còn hướng dẫn họ nhiều thứ khác, ví dụ như cách nếm rượu để họ giao lưu tốt với các thân chủ", ông Chen nói. "Họ không chỉ là những vệ sĩ mà đôi khi còn là những trợ lý cá nhân của những người này".

Chen cho biết số lượng nữ học viên ngày càng tăng và nói thêm rằng các nữ vệ sĩ dường như có lợi thế hơn so với các đồng nghiệp nam. Điều này chủ yếu là do số lượng nữ tỷ phú và nữ triệu phú ngày càng tăng. 

"Nữ vệ sĩ thường được mời để làm việc cho các nữ tỷ phú, triệu phú hoặc người thân của các đại gia nam", ông nói.

Yang thì nói rằng các khách hàng thường chọn vệ sĩ nữ vì họ không nổi bật. "Chúng tôi dễ dàng ẩn nấp hơn. Mọi người không phát hiện ra chúng tôi là vệ sĩ. Một số vệ sĩ nam rất cao to, người ngoài dễ dàng nhận ra họ là vệ sĩ. Ngoài ra, phụ nữ dường như cũng chăm sóc khách hàng rất tốt nữa", cô nói.

Cô không muốn tiết lộ bất kỳ thông tin nào về thân chủ của mình và nói rằng "lòng trung thành là rất quan trọng" trong công việc của cô.

Khóa học kéo dài trong 3 tuần có giá là 12.800 tệ (2.100 USD). Nó không dành cho những người phụ nữ yếu tim và thu hút được nhiều học viên nữ có những hoàn cảnh khác nhau.

Đào tạo bài bản

ve-si-1-4694-1389948604.jpg

Các học viên thực hành một bài tập võ. Ảnh: CNN

Xu Si và Zhang Min vừa mới tốt nghiệp. Cả hai đều muốn tham gia quân ngũ nhưng lại làm công việc bán hàng và dạy học trước khi trở thành vệ sĩ. Xu nói rằng khóa học rất bài bản. Trong những ngày đầu, cô phải bò qua bùn và nhảy vào nước đóng băng.

"Tôi thì run rẩy, còn một cậu bạn cùng học 18 tuổi đã bỏ học giữa chừng", Xu kể và nói thêm rằng các học viên nữ khác là nguồn cổ vũ rất lớn đối với cô khi theo học.

Tuy nhiên, cũng có người theo học chỉ để biết. Dong, một người làm việc văn phòng, nói với CNN rằng cô chưa quyết định liệu có muốn trở thành vệ sĩ hay không, nhưng cô tin rằng những điều học được từ trường đào tạo là rất có giá trị, giúp rèn luyện sự cứng rắn và bền bỉ.

Ông Chen nói rằng có rất nhiều yếu tố khiến số lượng vệ sĩ nữ ngày càng tăng như: tỷ lệ cạnh tranh nghề nghiệp thấp, lương cao, cơ hội gặp gỡ nhiều VIP và mở mang hiểu biết. Tuy nhiên, Chen cho rằng điều quan nhất là sự tự tin ngày càng tăng của phụ nữ.

"Phụ nữ ngày càng tự tin khi lựa chọn những nghề mà tưởng rằng chỉ có nam giới thống trị", Chen nói.

Trái với suy nghĩ thông thường, tỷ lệ phụ nữ thôi học và thôi nghề vệ sĩ còn ít hơn đàn ông. "Phần lớn các cô gái gắn bó lâu dài với nghề này", ông Chen cho hay.

Yang đã làm công việc vệ sĩ trong gần một năm và nói rằng cô không có kế hoạch thay đổi việc khác, mặc dù nguy hiểm luôn rình rập hàng ngày.

"Nhiệm vụ của tôi là bảo vệ thân chủ và phải hành động thật nhanh. Tôi nghĩ tôi sẽ gắn bó mãi mãi với công việc này. Đó là cuộc hành trình của tôi", Yang nói.

Vũ Hà (theo CNN)

Nguồn: VnExpress