Nhà của cựu thủ tướng Thái bị ném bom

Nhà riêng của cựu thủ tướng Thái Lan kiêm lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập Abhisit Vejjajiva bị ném chất gây cháy nổ vào tối qua, trong lúc nguy cơ bạo lực dâng cao do cuộc biểu tình phong tỏa thủ đô Bangkok. - VnExpress

c392c-abhisit-afp-2-4404-13830-6984-4367

Cựu thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva. Ảnh: AFP

Vụ nổ làm cháy mái nhà và vỡ kính, nhưng không có ai bị thương, Bangkok Post dẫn lời cảnh sát khu phố Thong Lor, nơi gia đình ông Abhisit sinh sống. Cựu thủ tướng và người thân không ở nhà vào thời điểm bị đánh bom.

Hai nhân viên bảo vệ của Hội đồng Cải cách Dân chủ Nhân dân (PDRC), tổ chức đứng đầu cuộc biểu tình chống chính phủ, tối qua cũng bị thương trong một vụ nổ súng diễn ra tại gần cầu Hua Chang, quận Ratchathewi. Đây là một trong các địa điểm bị "phe áo vàng" chiếm giữ.

Gần 2h sáng nay, một chiếc xe buýt vốn dùng để chở người biểu tình từ tỉnh Phatthalung lên Bangkok bị đốt cháy, nhưng không ai bị thương. Khu vực này do Liên hiệp Sinh viên và Nhân dân vì Cải cách Thái Lan, một tổ chức chống chính phủ, kiểm soát.

National dẫn lời ông Thaworn Senneam, thành viên chủ chốt của PDRC, cho biết cảnh sát đã bắt một phụ nữ và ba người đàn ông tình nghi gây ra các vụ tấn công trên.  

Địa điểm nổ súng cũng là nơi ông Suthep Thaugsuban, lãnh tụ phong trào biểu tình chống chính phủ, phát động cuộc biểu tình phong tỏa Bangkok nhằm gây sức ép buộc Thủ tướng Yingluck Shinawatra từ chức. Bà Yingluck và cơ quan an ninh từng lên tiếng cảnh báo về khả năng "lực lượng thứ ba" sẽ tranh thủ mâu thuẫn chính trị hiện nay để kích động bạo lực. 

Cuộc biểu tình phong tỏa Bangkok bắt đầu diễn ra từ tối hôm 12/1. Hôm qua, hàng nghìn người tuần hành bên ngoài những tòa nhà chính phủ, ngăn không cho các công chức của các bộ, cục hải quan, cơ quan kế hoạch và Ngân hàng Trung ương Thái Lan tới công sở. Một số người biểu tình cũng đe dọa đóng cửa thị trường chứng khoán, trong khi các giao lộ chính ở thủ đô vẫn bị chặn.

Ông Suthep thậm chí còn đe dọa sẽ bắt giữ thủ tướng và các bộ trưởng, nếu như chính phủ của bà Yingluck không chịu từ chức.

Bà Yingluck tuyên bố kiên quyết không từ chức và kêu gọi các bên cần thảo luận về vấn đề cải cách bởi "đất nước đang chìm trong nỗi đau và mọi người phải chịu đau khổ".

Trước đó, Thủ tướng Yingluck lên tiếng mời các lãnh đạo biểu tình và các chính đảng tới thảo luận về khả năng hoãn bầu cử tới tháng 5 nhưng bị từ chối.

584094-3707-1389750539.gif

Xe buýt chở người biểu tình bị đốt. Ảnh: Bangkok Post

Xxung đột chính trị ở Thái Lan dai dẳng suốt 8 năm qua giữa tầng lớp trung lưu cùng phe bảo hoàng tại Bangkok, đối lập với những người nghèo ở vùng nông thôn.

Những người nghèo ở nông thôn ủng hộ Thủ tướng Yingluck và anh trai bà, cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, người bị lật đổ năm 2006. Trong khi đó, những người trung lưu thành thị cáo buộc gia đình Shinawatra tham nhũng và gia đình trị.

Nhiều người Thái Lan tin rằng quân đội sẽ sớm can thiệp để phá vỡ bế tắc chính trị này, đặc biệt nếu các cuộc biểu tình trở nên bạo lực hơn và đã xuất hiện tin đồn về khả năng xảy ra đảo chính.

Đức Dương

Nguồn: VnExpress