Sài Gòn sẽ sạch bóng 'lô cốt'

Từ năm 2014, trung tâm TP HCM sẽ không còn xuất hiện "lô cốt" vì thành phố sẽ không cấp phép đào đường hở khi thi công các công trình ngầm ở các quận 1, 3, 4, 5, 10 và ở các khu vực thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. - VnExpress

UBND TP HCM đang xây dựng dự thảo về chấn chỉnh công tác đào đường và tái lập mặt đường trên địa bàn, nhằm tăng cường công tác quản lý thi công công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn thành phố, khắc phục tình trạng thi công chưa được đồng bộ, đào đường tràn lan gây bức xúc cho người dân. Nhiều sở, ngành trên địa bàn được thành phố yêu cầu "chung tay" tham gia công tác này.

Theo đó, UBND thành phố đã giao Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước thành phố và Tổng công ty cấp nước Sài Gòn nghiên cứu áp dụng phương pháp kích ống ngầm thay cho phương án đào hở (không còn dựng "lô cốt" chiếm dụng mặt đường). Vì kể từ năm 2014, thành phố sẽ không cấp phép thi công đào hở khi thi công trong khu vực trung tâm thành phố gồm các quận 1, 3, 4, 5, 10 và ở các khu vực thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng.

IMG-4349-1376450489_500x0.jpg

Từ năm 2014, TP HCM sẽ không cấp phép đào đường hở ở khu vực trung tâm, thay vào đó các đơn vị thi công sẽ phải áp dụng công nghệ kích ống ngầm, hoặc sử dụng robot khoan ngầm để thi công. Ảnh: H.C.

Đây là phương pháp mà Công ty thoát nước đô thị TP HCM (UDC) đã áp dụng thành công để lắp đặt tuyến cống D3000 băng qua sông Sài Gòn (Dự án Vệ sinh môi trường Nhiêu Lộc - Thị Nghè). Công nghệ này có nhiều ưu điểm so với phương pháp đào hở truyền thống như: khối lượng đất đào nhỏ nên giảm chi phí vận chuyển đất, ít ảnh hưởng đến các công trình hạ tầng kỹ thuật khác, ít rủi ro về sụt lún tại khu vực thi công...

Ngoài ra, nếu công trình đào ngầm thực hiện bên dưới khu vực đường bộ thì sẽ ít chiếm dụng mặt đường nên hạn chế được tình trạng kẹt xe, hạn chế ảnh hưởng đến đời sống sản xuất, kinh doanh của người dân trong khu vực…

Cũng theo UBND TP, đối với danh mục các tuyến đường cấm đào, nếu chủ đầu tư có nhu cầu thi công công trình nằm dưới lòng đường thì phải sử dụng robot khoan ngầm để thi công. Trước mắt, việc thi công tái lập tạm tại địa bàn các quận 1, 3, 4, 5, 10, đơn vị thi công phải thảm lớp nhựa tạm mỏng hoặc sử dụng tấm thép phủ lên trên bề mặt phui đào nhằm tránh hiện tượng đá văng ra khỏi phui đào, trả lại mặt đường phục vụ giao thông vào ban ngày.

Để đảm bảo tính đồng bộ trong thi công hạ tầng đô thị, UBND TP HCM đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổng hợp, điều phối và lập kế hoạch đầu tư hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật chung trên địa bàn thành phố từ nay đến năm 2015 và sau năm này để có kế hoạch phối hợp trong thi công.

UBND TP cũng giao Sở Giao thông Vận tải tổ chức giao ban hàng tháng đối với các chủ đầu tư, nhà thầu và đơn vị quản lý để giải quyết vấn đề phát sinh trong công tác đào và tái lập mặt đường. Trong quý 3 tới, Sở cũng xây dựng, ban hành cơ chế xếp hạng năng lực ban quản lý dự án, chấm điểm tư vấn, nhà thầu như Bộ Giao thông đã làm để loại những đơn vị yếu kém.

Trung Sơn